19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôi đột nhiên muốn một lần là kẻ sĩ

*Photo: Kayla Grundy

 

Vài nhận xét về Việt Nam, người Việt Nam mà đã có lần tôi được nghe:

– Một thầy giáo dạy quan hệ công chúng đã từng miêu tả:

“Ở một cái xã hội mà tờ rơi khoan cắt bê tông và chung cư cao cấp đều được dán chung một chỗ, và đến ngay cả nhà vệ sinh, quảng cáo cũng không buông tha. PR bị biến dạng. Ở một xã hội mà quảng cáo như tát vào mặt nhau… Nhưng tôi tin nhất định có ngày Việt Nam sẽ tốt đẹp lên. Nhất định có ngày đó.”

– Một cô giáo dạy chính sách thương mại quốc tế từng nói thế này:

“Nếu cô kể cho các em tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam thì có lẽ các em bỏ nước và chuyển quốc tịch ngay lập tức mất.”

– Hay một người thầy khác cũng từng nói:

“Người Việt Nam xấu tính không thể miêu tả nổi. Các em có thấy suốt từ đầu năm tới cuối năm, thay vì bàn cách làm thế nào để tăng doanh thu, làm việc hiệu quả, quanh đi quẩn lại, từ những tờ báo lớn tới báo nhỏ, đều bàn luận sôi nổi câu chuyện thưởng Tết. Họ không hiểu rằng làm tốt, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, công ty làm ăn tốt, thì lẽ tất nhiên sẽ được thưởng Tết. Vậy mà họ đâu có hiểu điều đơn giản ấy? Thêm vào đó, ở Việt Nam, đâu đâu cùng là cấm, là phải thế này, phải thế kia. Cơ quan chức năng có lẽ khá dốt tiếng Việt, họ quên mất những tiếp đầu ngữ khá phổ biến ở những nước phát triển như bạn vui lòng, bạn làm ơn. ”

– Thêm nữa, từ một quyển sách mà không nhớ rõ tên, tác giả cũng đã nói: “Chí Phèo, Cuội và Bờm là hình ảnh chân thực nhất về người Việt.”

Đấy, đó là vài người nói về Việt Nam – đất nước của chúng ta, về người Việt Nam – chúng ta. Bạn nghĩ sao? Bản thân tôi thấy khá đau đớn.

Bạn đã hành động như thế nào?

Ở đó than thở vì sao mình lại là người Việt Nam, ở đó chê trách những người đó, hay ở đó để trở thành những anh hùng bàn phím trong vụ hôi bia, vụ hót gơ Bà Tưng, vụ việc của Huyền Chip, sự việc liên quan tới bạo hành trẻ nhỏ, hay sự ra đi của bác Giáp. Và giờ có lẽ bạn đang nghĩ tôi đã làm gì đúng không?

Từ từ, hãy để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện cuộc đời Lỗ Tấn trước nhé!

“Thời kì đầu khi ông chưa phải người cộng sản, tuy vậy, trước những thất bại liên tiếp của các cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc thời cận đại, ông vẫn tin tưởng có một ngày nhân dân Trung Quốc sẽ tìm ra con đường tự giải phóng (Đường là gì? Là dẫm mãi chân lên chỗ không có đường mà thành, là phát quang chỗ lắm gai góc mà mở ra. Trước kia vốn đã chẳng có đường, sai này mãi mãi cũng phải có đường – Con đường của sự sống.)

Với niềm tin như thế, Lỗ Tấn hăm hở đi vào các ngành khoa học tự nhiên vì nghĩ rằng khoa học tự nhiên có thể giúp Trung Quốc xóa bỏ tình trạng nghèo nàn lạc hậu. Song sau lần xem phim ở trường đại học Y Khoa Tiên Đài tại Nhật Bản, thấy cảnh người Trung Quốc bị chặt đầu để uy hiếp mà những người Trung Quốc đứng quanh đó vẫn thờ ơ, ông giật mình mà nghĩ rằng: “Dân mà ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh cũng chỉ có thể làm thứ người mà người ta đưa ra chém đầu thị chúng và là thứ người đứng xem cuộc thi chúng vô vị thế kia mà thôi.” nên trước hết phải biến đổi tinh thần của họ, mà muốn vậy, không gì bằng văn nghệ. Và thế là ông bỏ học y mà chuyển sang hoạt động văn chương.”

Một người bạn đã từng kể cho tôi câu chuyện này, có lẽ rất nhiều năm về trước, khi đó tôi còn chưa nghĩ rằng bản thân mình sẽ bắt tay vào viết lách, dùng những ngôn từ thô kệch, xù xì của mình để diễn tả thứ cảm xúc không tên này. Rất có thể bạn đang thắc mắc tại sao tôi không đứng lên kêu gọi bằng thứ văn chương của mình, kêu gọi mọi người? Bạn sẽ hỏi tôi sao lại chỉ viết về vài thứ yêu thương nhảm nhí, cô đơn này nọ, mà chẳng bao giờ động tới kinh tế? Tại sao không lôi ra, vạch trần sự thật, đập nó vào thẳng mặt người đọc, rồi họ sẽ tỉnh ra, họ sẽ tìm được cách cứu vớt nền kinh tế này, họ sẽ tìm cách cứu vớt nền kinh tế hơi có mùi này.

Tôi cũng muốn lắm. Tôi cũng thèm khát lắm. Giá mà ngày nào cũng có thể lảm nhảm với vài người là hãy tỉnh lại đi, nhìn đi. Đó là tiền thuế của dân, đó là tiền của chúng ta. Đây là đất nước của chúng ta.

Ôi trời, xin lỗi, tôi tự cảm thấy mình chưa đủ tầm để đập vào mặt bạn những thứ như thế, và giọng văn của tôi cũng chưa đủ đanh thép để vạch trần, để lôi kéo bạn. Việc to tát ấy, hãy giành cho các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, những người đủ tầm để đứng trước hàng trăm sinh viên, giảng những bải giảng kinh tế, hãy nhường cho họ quyền được hướng sinh viên theo hướng này hướng kia. Việc to tát ấy xin nhường lại cho những tác giả tuyệt vời hơn tôi gấp vạn lần, qua những bài viết sâu sắc của họ, bạn sẽ hiểu hơn, sẽ tỉnh ra, và hơn thế nữa sẽ thay đổi.

Còn tôi, vì không cách nào viết được những điều ấy, nên đành nhấc mông dậy và hành động. Còn chạy tới trốn này, thực sự thì tôi luôn xin chút ích kỉ để nuông chiều bản thân bằng những dòng cảm xúc được buông thả. Thế nhưng, mấy hôm nay, chợt thấy hơi nhiều hơn bình thường những mảnh đời co ro trong vài mảnh áo mưa rách te tua để kiếm chút hơi ấm; hay những cô bán hàng rong ngồi đếm từng tờ 500, 1000, 2000 đồng; hoặc những người nông dân năm nay mất mùa, mất Tết, vậy nên tôi đột nhiên muốn trở thành kẻ sĩ, bàn luận một chút về thực tại, thực tại mà tôi thật sự muốn trốn chạy.

Những lời bộc bạch này, giãi bày này, tôi chẳng dám hi vọng to tát rằng các bạn sẽ vì nó mà thay đổi, cũng chẳng dám nghĩ cao sang rằng nhiều người sẽ vì lời nói của tôi mà tỉnh ra. Tôi chỉ dám hi vọng, ít nhất, bạn cũng đọc qua nó, bạn cũng lướt qua nó; và bạn cũng sẽ như tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn.

Đừng ở đó chê bai Việt Nam nữa, đừng ở đó hờn giận Việt Nam nữa. Việt Nam là nhà, là quê hương của chúng ta, là nơi chôn rau cắt rốn. Đừng lảng tránh! Đừng đổ trách nhiệm cho kẻ khác! Đừng chê trách!

Nếu muốn một Việt Nam tốt đẹp hơn, trước tiên hãy thay đổi từ bản thân bạn!

 

 Như Nhiên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. chúng ta ko chỉ cần lỗ tấn của văn chương, mà còn cần nhiều nữa, những lỗ tấn của KT, thể thao, pháp luật,… rất rất nhiều
    thế đ** nào, hàng triệu con người cũng ko đủ

    • Có lẽ bạn chưa hiểu hết ý của mình khi lấy ví dụ Lỗ Tấn ở đây. Lỗ Tấn của văn chương? Có lẽ không phải. Lỗ Tấn không phải chỉ của văn chương, ông đã học rất nhiều nhưng rồi cuối cùng chọn văn chương. Trốn tránh thực tại thối nát của atrung Quốc tại thời điểm đó, ông đã viết AQ chính truyện với tinh thần AQ nổi tiếng.
      Thật ra, thứ cần thay đổi đầu tiên có lẽ là tư tưởng,thay đổi những thói quen tật xấu như làm ít, chơi nhiều, khôn lỏi, nhìn thiển cận, nói to, họp nhiều. Để làm được điều này có lẽ cần vài thế hệ, nhưng chắc chắn rồi sẽ tốt đẹp dần từ con người, tới kinh tế, thể thao, pháp luật cũng được hoàn thiện hơn.
      Hàng triệu người thì quá đủ nhưng vấn đề hàng triệu người ấy lại chẳng hề đồng lòng. Mỗi người một ý nghĩ, vị kỉ, ví dụ cử điều này là câu chuyện ba người Nhật rơi xuống hố sống cả ba, 3 người Việt rơi xuống hố chắc đi cả ba.

Trả lời Như Nhiên Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI