19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tình yêu LỚN, tình yêu nhỏ và truyền thuyết về “tình yêu đích thực”

 

Trích: Truyền thuyết về tình yêu đích thực chính xác chi là một truyền thuyết mà thôi. Tớ có phải tiếp tục tìm kiểm Nửa Kia Đích Thực? Chắc chắn là không rồi. Tất cả bạn bè của mình đều có thể nên vợ nên chồng của nhau, miễn là mình muốn và rồi nỗ lực.

Cảnh báo:

“Ý kiến cũng giống như bàn tọa, ai cũng có một cái.”

(Clint Eastwood)

Cái mà tớ đang viết ở đây là ý kiến bản thân, và tớ sẽ đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể để nó đáng tin hơn. Tớ không phải là chuyên gia. Trái lại, xin lỗi mình chỉ là……… một đứa con zai 20 tuổi, sung sức nhưng thiếu kinh nghiệm. Tớ tin rằng “tri thức là sức mạnh” (để mình thay đổi tích cực hơn, tất nhiên)

  • Là một thanh niên trẻ sung, cộng với sức ép từ muôn phía tớ thỉnh thoảng có nghĩ đến tương lai (nửa thật nửa đùa). Nhiều khi tớ cũng nghĩ đến việc sống thế nào cho tốt, cho có hạnh phúc bền lâu nên cũng tự hỏi: liệu sau này có người bạn đời có làm cho cuộc sống mình thêm ý nghĩa?
  • Tớ luôn tin rằng mặc dù mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh mỗi người mỗi tính, con người ta có rất nhiều điểm chung. Biết thêm về điều này sẽ giúp tớ hiểu thêm về con người. Và thế là tất cả những cái dở, cái xấu nết, cái đáng chê tự dưng trở nên đáng thông cảm hơn. Thế là tốt còn gì nữa 😀

Vào vấn đề chính

Hôm nọ tớ có nói chuyện với đứa bạn (đã có người yêu), và không có gì lạ khi chủ đề tình yêu tình báo lại bò vào câu chuyện. Bọn tớ tự hỏi là tại sao có nhiều cặp đôi không hiểu là chuyện tình cảm nào cũng không thể tươi thắm mãi được (ít nhất là loại tình yêu đam mê bỏng cháy mà mọi người kết nổ đĩa – Xin chân thành cám ơn tất cả đạo diễn phim, diễn viên, ca sĩ báo đài v..v..) Thường thì do chưa đủ thử thách để trui rèn sự chấp nhận và thông cảm lẫn nhau, nhiều cặp thường nhầm điểm rơi trong tình yêu bỏng cháy của họ (thường là sau khi cãi nhau) là dấu chấm hết. Tất nhiên, để biết lúc nào nên giữ và lúc nào nên dừng rất rất khó.

Một điều nữa: chắc hẳn ai cũng quá quen với việc ông bà than vãn rằng thế hệ mình chả làm ra gì bền vững cả. Cứ đập thử cục gạch Nokia 1200 với iPhone mà xem… Tương tự, nhiều ông bà cũng cho rằng những mối quan hệ của thế hệ mình không được son sắt bền chặt như thời ông bà, có lẽ là vì mình không coi trọng và suy nghĩ kĩ về chuyện này hơn.

Truyền thuyết về “tình yêu đích thực”

Ông bà có thể đúng, nhưng cũng có thể có những lí do khác nữa. Một trong số đó là việc rất nhiều người trong chúng ta càng ngày càng tin vào truyền thuyết về tình yêu đích thực (TYDT). Bật đài và nghe thử một bài hát bất kì, tớ đảm bảo bạn sẽ thấy nó. Nó bao gồm

“Tình yêu đích thực là một tình yêu đam mệ bỏng cháy không bao giờ nhạt phai. Nếu bạn có TYDT bạn nên cưới người ấy. Nếu tình yêu không còn, bạn nên ra đi vì đó không phải là TYDT. Nếu bạn có thể tìm được Người Ấy Của Riêng Bạn, bạn sẽ có TYDT vĩnh viễn.”

– Jonathan Haidt,  “Giả thuyết của hạnh phúc”

Có lẽ điều làm cho cái truyền thuyết này càng được khắc sâu hơn vào tim mọi người là hai chữ “duyên phận”. Tớ cũng phải tin vào duyên phận. Là một cá nhân nhỏ tí trong thế giới rộng lớn mà loài người có khi không bao giờ hiểu rõ này, lẽ tự nhiên là con người sẽ phải tìm ra một cái gì đấy vượt ngoài tầm của chính mình để tin vào, như đấng tạo hóa hay duyên phận. Vì là người, chúng ta luôn muốn tìm ra lí do (còn liệu có phải tất cả đều có lí do hay không lại là một chuyện khác). Tớ hỏi nhé, trong 2 lời giải thích sau đây về một chuyện khó hiểu xảy ra mọi người chọn cái nào?  “Ờ đấy nó như thế là nó như thế thôi” hay là “chắc chắn phải có lí do gì chứ, có thể là do duyên phận/định mệnh/số mạng v.vv” Tớ đảm bảo mọi người chọn câu sau.

Giờ cho phép tớ mổ xẻ cái truyền thuyết về TYDT, trước hết qua việc xem có những gì trong tình yêu. Tớ đoán rằng mọi người chạc tuổi tớ chắc đều hiểu, ít nhất sơ sơ, về kiểu “thinh thích” với cả “tình cảm đặc biệt” này nhờ (giả dụ hợp lý nhé)?

Hai loại tình yêu

Hai nhà khoa học Ellen Berscheid and Elaine Walster định nghĩa tình yêu đam mê (passionate love – không chắc dịch thế nào) là “một trạng thái tâm lý kì lạ, khó kiểm soát khi mà những rung động nhẹ nhàng và sự cám dỗ về giới tính, niềm vui và nỗi đau, sự lo lắng và sự giải tỏa, sự rộng lượng và sự đố kị, tất cả cùng tồn tại trong một mớ cảm xúc lẫn lộn.” Tình yêu đam mê là cái chúng ta nhắc đến từ “đổ”, là nguồn cảm hứng bất tận cho nhà văn nhà thơ và tất nhiên là những bài hát từ hay nhất cho đến dở nhất. Nói thế nào nhỉ, tình yêu đam mê kiểu này… rất sướng.

Để hiểu rõ thêm một tí, mỗi khi con người ta có một cảm giác sung sướng, não con người tiết ra chất dopamine. Cái hệ thống điều tiết dopamine này đặc biệt quan trọng vì bất kì một loại dược phẩm nào giúp tăng dopamine  trong não như hê rô in hay cô ca in đều (mọi người đoán được rồi đấy) có tính gây nghiện cao. Người nghiện cần thêm thuốc để thỏa mãn nhu cầu, nhưng có bao giờ người ta thỏa mãn mãi được không? Câu trả lời là không.

Và tình yêu đam mê cũng vậy (“A giờ thì em đã hiểu (thuốc Fucaca diệt trừ giun như thế nào) tại sao tình yêu hay được so sánh với nghiện.” Tình yêu thực sự gây nghiện). Tình yêu đam mê không thể cháy vĩnh cửu được. Tớ không muốn bôi nhọ cái đam mê này nhé, đây chỉ là cái tớ hiểu từ góc nhìn khoa học về điều này thôi.

  • *Chuyện bên lề tí, có rất nhiều lí do để tin là yêu xa không khả thi, nhưng có một điều làm tớ nghĩ lại: nó như kiểu chỉ uống một thìa cocaine (chất này trong thuốc ho ấy, có tác dụng an thần, dùng đúng liều thì tốt) một lần một tháng nên mỗi khi uống một thìa vẫn thấy tác dụng nguyên xi của nó. Tất nhiên nhược điểm sẽ là cảm giác khó chịu khi mà sự thèm muốn không được thỏa mãn (lại nghĩ đến Chu Văn Quềnh trong Đất và người “Không thể hoãn cái sự sung sướng đó lại”). Một tháng đấy sẽ thấy dài đằng đẵng. Đó là tại sao tớ nghĩ là yêu xa như vậy khá phức tạp nhưng không hoàn toàn không thể. Đánh giá và hi vọng một cách thực tế sẽ giúp rất nhiều (đang không từ kinh nghiệm bản thân mà từ bạn bè nhé)*

Nhưng tình yêu không chỉ có 1 loại như vậy. Berscheid  and Walster còn định nghĩa một loại tình yêu nữa: tình yêu đồng cảm (companionate love, lại không biết dịch), trái với tình yêu đam mê, là “sự yêu thương chúng ta dành cho những người mà chúng ta gắn bó rất sâu sắc với.” Đấy là tình yêu mà trẻ con như tớ phục lăn lông lốc khi nghe ông bà kể lại, nhất là khi một trong hai người vừa mất. Jonathan Haidt trong cuốn sách của bác ấy có một cái ví von rất chuẩn: nếu tình yêu đam mê như là LỬA thì tình yêu đồng cảm lại như là DÂY LEO, lớn lên chậm hơn nhưng đan xen, gắn kết con người lại với nhau.  Mọi người đều đã quá quen thuộc với cái ví von về lửa kia rồi, lửa đốt mãnh liệt đến mức đôi khi nó làm mình đau, thậm chí còn hủy hoại nữa. Đó là lí do tại sao không có đôi vợ chồng già nào tự tử nhưng Romeo với Juliette thì có đấy.

Ngắm nghía lại truyền thuyết về Tình Yêu Đích Thực

Sau khi đã hiểu 2 loại tình yêu, 2 quá trình hoàn toàn khác nhau như thế, giờ tụi mình xem lại vấn đề mở đầu: khi nào nên dừng và khi nào nên cứu vãn một mối quan hệ, và tại sao nhiều người hay mắc sai lầm ở đây nhé.

Tình yêu đam mê và tình yêu đồng cảm trong 6 tháng
Tình yêu đam mê và đồng cảm trong 6 tháng
(ảnh từ sách Happiness Hypothesis by Jonathan Haidt)

Đồ thị ở trên giờ chắc đã rõ. Trong khoảng thời gian ngắn (6 tháng), tình yêu đam mê là chủ đạo. Nơi nguy hiểm (danger point) đầu tiên là ở đỉnh của đường yêu đam mê. Không ai có thể nghĩ thông suốt khi đang ở trạng thái hưng phấn cao trào thế này, nên quyết định cưới lúc này thường là không chin chắn nhất. Buồn là lời cầu hôn không như đổi Facebook relationship status, một khi nói ra cho cả bạn bè gia đình biết thì khó mà lấy lại được. Ngọn lửa này sẽ thường yếu dần đi, đặc biệt là khi chuẩn bị cho đám cưới (ôi lằng nhằng mệt mỏi). Ông bà ta có thể đã đúng, những quyết định kiểu này thường không bền lâu.

Nơi nguy hiểm thứ hai là cái “một ngày nào đó thức dậy thấy hết yêu là hết yêu.” Cảm giác chán chường, hơi thất vọng khi thấy phép màu của tình yêu đã bắt đầu phai đi. Nhiều khi tớ chỉ mong mọi người thay vào đó nghĩ là “Bây giờ mình đang có ít cảm xúc đam mê mãnh liệt cho người ấy nhất trong khoảng abc tháng chúng mình bên nhau, nhưng mà nói chung vẫn còn cái gì đấy” (nhưng mà nếu ai cũng nhiều lý trí như thế thì đã có ít những câu chuyện lãng mạn.. và Taylor Swift sẽ không còn là ca sĩ hehe). Quyết định chia tay lúc này có thể không đúng, nhưng mà đời có bao giờ cho ta sống lại đâu, nên mình cũng sẽ chẳng thể biết mọi chuyện sẽ khác thế nào. “Nếu ngày ấy, em không đi về phía anh, không gặp anh, giờ này ta thế nào?” Cám ơn chị Hồ Quỳnh Hương về câu hỏi. Em xin trả lời là em chịu ạ.) Tớ nghĩ hầu hết (hầu hết nhé) chuyện cảm nắng của tuổi teen nên dừng ở đây. Từ kinh nghiệm bản thân thì tớ rất là hài lòng về tất cả. Mặc dù tương lai thì chưa chắc (để post sau sẽ rõ hehe)

Passionate vs Companionate love in 60 years
Tình yêu đam mê và đồng cảm trong 60 năm
(ảnh từ sách Happiness Hypothesis by Jonathan Haidt)

Cái đồ thị thứ 2 này thể hiện rõ nhất loại tình yêu bền vững. Tình yêu đích thực là gì? (không nói lái lại nhé…) Đây là cái tớ tin vào:  TYDT – phía sau những cặp vợ chồng son sắt – là một tình yêu đồng cảm rất lớn, cộng thêm với một ít tình yêu đam mê, giữa hai người quyết định sẽ gắn bó bền chặt với nhau.

DÀI THẾ TÓM TẮT LẠI CHO MÌNH VỚI?

Rằng thì truyền thuyết về tình yêu đích thực chính xác chi là một truyền thuyết mà thôi. Tớ có phải tiếp tục tìm kiểm Nửa Kia Đích Thực? Chắc chắn là không rồi. Tất cả bạn bè của mình đều có thể nên vợ nên chồng của nhau, miễn là mình muốn và rồi nỗ lực.

 

(Featured image: Yoostynaa)

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Bài viết còn một khoảng trống mênh mông giữa việc trình bày rằng có những thứ dài, ổn định và có những thứ bấp bênh, ít sức sống, chỉ được 1 thời gian(một điều khá hiển nhiên trong mọi lĩnh vực) với kết luận về việc không có tình yêu đích thực.
    1. Không ai chứng minh rằng một mối quan hệ tồn tại dài là 1 mối quan hệ nên có(VD: ly hôn ở nước ngoài không là bằng chứng cho việc mqh đó tệ hơn việc bị chống đánh vẫn ngồi lù lù ở đấy).
    2.Thực sự mối quan hệ companionate có nghĩa là mối quan hệ nào, đặc tính ra sao, có cần điều kiện gì không??? đã bị bỏ qua. Chưa có bất kỳ giải thích nào rằng mối quan hệ dây leo có thể xuất hiện từ những người bất kỳ. Đơn giản, có phải tự dưng muốn và tự dưng nỗ lực cả đời đâu.
    3. Cơ chế nhận thức thiên về tình cảm có vai trò bỏ lửng. Dễ làm người khác ngầm hiểu đành đồng việc tìm 1 nửa đích thực với việc lao theo các mối quan hệ dựa trên sự đam mê. Trong thực tế, nhiều người có MQH companionate chỉ sau khi trải qua nhiều MQH passionate. Và hình như(thực ra là gần như chắc chắn) cũng không phải mọi mqh không bắt đầu bằng passionate nào cũng last forever.
    4. Thực ra có thể có 1 sự nhầm lẫn khi cho rằng có 2 loại mqh mà chính xác hơn là có 2 giai đoạn trong 1 mqh và passionate period chỉ là 1(Hypothesis có nghĩa là giả thuyết nhé).
    Mình không có ý định bảo bạn sai, chỉ là đang gợi ý những nội dung có thể đưa vào trong các bài viết khác để tạo được sự hấp dẫn. Cảm ơn bạn vì bài viết thú vị !

    • Chào cậu, tớ rất vui vì có người quan tâm và comment 😀

      1) Chính xác, có những mối quan hệ không nên có. Ví dụ tớ thù 1 người đến tận cuối đời, cũng là 1 dạng quan hệ, đặc biệt không nên có.

      2) Tớ cũng đang tìm hiểu thêm về tình yêu gắn bó. Bác Haidt trả lời thư của tớ:
      “TY đam mê là 1 trạng thái của não, tức là có thể bị thay đổi bới chất kích thích. Mình có thể biết là mình đang yêu đam mê. TY đồng cảm là 1 sự thật hiển nhiên từ việc mình đang sống. Ví dụ mình sồng thêm 1 ngày thì dù mình không nhận ra nhưng TY đồng cảm với những người xung quanh. Mình có thể nói “à, mình làm bạn của nhau được 101 +1 ngày rồi”. điều này luôn đúng nếu chúng mình vẫn là bạn.

      3) Đúng là bài viết dễ gây hiểu nhầm là tớ đang khuyến khích không nên bắt đầu = tình yêu đam mê. Cái tớ muốn là hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của 2 tình yêu này và biết cách tận dụng cả 2. Ví dụ nên làm chậm TY đam mê lại 1 ít để TY đồng cảm mạnh lên trước đã.

      4) Tình yêu đồng cảm khác ở chỗ nó không chỉ là 1 dạng tình yêu đôi lứa. Tình cảm mà tớ dành cho nhóm bạn hay uống trà chanh chém gió có thể gọi là TY đồng cảm. Ví dụ những người già độc thân mà có bạn tâm giao đánh cờ cảm thấy rất hạnh phúc. Và cuối cùng, sự gắn bó với gia đình là 1 loại TY đồng cảm.

  2. Bài viết là một cố gắng xây dựng một cái nhìn tổng thể, một kết luận rốt ráo từ những suy nghĩ vụn vặt hơn cho một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Giọng văn hồ hởi, vồ vập vào các vấn đề khiến cho người đọc khó tránh khỏi cảm thấy đáng yêu và bị lôi cuốn trong sự nhiệt tình của tác giả.

  3. Tuy vấn đề không mới nhưng bạn đưa ra nhiều dẫn chứng thú vị, khiến mình có thể đọc đến cuối bài :p, đùa thôi, bạn có cách viết khá dí dỏm, nhẹ nhàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI