29.2 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết lý là thật hay giả?

Photo: h.koppdelaney

Uhm… Chắc cũng đã lâu rồi, từ cái ngày tôi đến với những dòng triết lý đầu tiên. Khi đến với nó, tôi chỉ có một niềm “mong muốn vô độ” là tìm được ý nghĩa cuộc sống và thoát khỏi cái lý lẽ thường tình: “đời là bể khổ”. Vì sao tôi ao ước dữ dội vậy? Bởi vì đời tôi lúc đó quá khổ rồi, nên tôi mới phải bám víu vào triết lý để neo mình.

Từ đó đến giờ, cũng đã 6 năm, đương nhiên là trong khoản thời gian đó, tôi đi lòng vòng. Có một sự thật là, nếu không học thì không thể làm thầy. Chúng ta không thể ngồi im một chỗ rồi sáng tạo ra triết lý tầm phào hay những công thức tự chế được! Nhà khoa học nào cũng học rất nhiều trước khi trở thành nhà khoa học thực thụ. Bởi vậy, ai cũng phải học và trải nghiệm rất nhiều trước khi tự sáng tạo ra một cách riêng của chính mình, bởi chúng ta không thể bịa ra những thứ mà không có nền tảng thuyết phục được.

Trong lúc đi tìm, trên con đường đó, đã có nhiều lần tôi vấp ngã rồi thất vọng, tôi bắt đầu nghi ngờ về tính thực tiễn của triết lý. Tôi tự hỏi, có phải tôi đang đi tìm một thứ trên trời không, có phải tôi đang “phi thực tế” không, có phải tôi đã “tách biệt mình khỏi cuộc sống bằng triết lý xa vời” không, có phải có gì đó đã sai không? Rất nhiều lần tôi chán và bỏ đi, tôi chả tin vào triết lý nữa, rồi những nỗi buồn, sự cô đơn, nỗi đau, sự khốn khổ bắt đầu quay trở lại và vây lấy tôi. Tôi lại chạy đi tìm ông thầy mang tên “triết lý”, tại sao thì tôi không hiểu, chắc nó có một năng lượng ngầm quyến rũ nào đó.

Rồi bắt đầu dần dần, qua nhiều năm và liên hệ với các trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy những triết lý có vẻ như trở nên dễ hiểu hơn và hình như chúng có liên kết với nhau. Chúng bắt đầu gôm lại làm một, một sự đồng nhất. Tôi bắt đầu ngờ ngợ hiểu ra câu nói của Socrates: “Tâm trí của bạn chính là khó khăn của bạn.” Đó là toàn bộ vấn đề theo cách hiểu của tôi.

Có quá nhiều người nói với tôi triết lý là lý thuyết, là phi thực tế, họ phản đối nó theo cách nào đó và tiếp tục sống “ất ơ”. Tôi tự hỏi, nếu không có lý thuyết thì chúng ta sẽ làm gì? Chiếc máy vận hành như này, như kia, rõ ràng là chúng ta phải xem qua bảng thiết kế hoặc có ai đó nói cho nghe (những thứ phi thực hành đều gọi là lý thuyết) trước khi chúng ta khởi động chúng. Rõ ràng, lý thuyết là chìa khóa, nhưng hành động có vai trò là tra chìa vào ổ khóa và mở nó ra. Đó là một sự suy luận hết sức đơn giản, chả lẽ chúng ta không hiểu? Hay, chúng ta cố tình không chịu hiểu? Chúng ta không làm được, không có nghĩa là nó nhảm nhí hay không đúng, mà là vì chúng ta chưa làm đủ, và chưa có niềm tin, nếu không có niềm tin thì trên đời này chúng ta chả làm được gì cả.

Triết lý nói ra sự thật (đương nhiên là triết lý chính thống, không phải triết lý tầm phào). Và kết quả của những người chống lại sự thật là nỗi đau khổ. Cuộc sống này vô thường, thay đổi là bản chất của cuộc sống – đó chính là sự thật. Trong khi dè bỉu những triết lý, thì người ta vẫn đang hứng chịu những nỗi đau, những sự chán chường, nỗi khổ, sự ngán ngẩm, và hàng tá những mớ cảm xúc thất thường khác chứ cuộc đời không khá hơn. Vậy thì phải có một lối thoát chứ? Ít nhất là theo một cách nào đó thực sự đơn giản, nhưng điều đó phần lớn đã không xảy ra, người ta vẫn lặn lội và ngụp lặn trong đau khổ và than phiền và phán xét: “Đời là bể khổ.”

Nếu không thể tự cứu mình thì hãy để người khác cứu. Nếu không để người khác cứu, thì hãy chấp nhận số phận và đừng có than phiền. Tôi rất ghét những người sống theo cách mà không có lối ra, làm cái này cũng không được, làm cái kia cũng không xong, làm cái nọ thì mệt, khổ… kiểu nào cũng chui tọt vào ngõ cụt. Tự ép mình vào ngõ cụt rồi thấy cuộc đời toàn màu đen, kể cả động vật cũng không làm thế!

Những lời than vãn của tôi càng về sau càng bắt đầu giảm dần. Đương nhiên khi tôi nói ra điều này không có nghĩa là tôi khoe mẻ. Ý tôi là, triết lý đã bắt đầu có tác dụng, và tâm trí của tôi đã bớt lăn tăn đi rất nhiều, mọi thứ bắt đầu dễ hiểu và đồng nhất chứ không còn rắc rối và mâu thuẫn như trước nữa. Ai cũng phải học từ bậc thấp nhất cho đến khi làm thầy, rồi từ thầy người ta sẽ có khả năng để sáng tạo nên những thứ mới cho riêng mình, nếu bạn không tin, lật lại lịch sử!

Triết lý không phải là con đường duy nhất để diệt khổ. Bạn có thể tìm mọi cách dễ nhất để giúp cho đời sống của mình phấn khởi hơn. Tôi không biết, bạn phải tự tìm ra cách phù hợp nhất vời mình.

Bạn tôi này! Nếu bạn không làm được một điều, không có nghĩa là nó không có gì hay, chỉ có nghĩa là bạn làm chưa đủ, bởi vì chưa đủ nên nó cũng chưa đúng, cũng bởi vì chưa đủ nên nó không thể trở nên thuần thục. Vậy thì điều bạn cần là làm thêm nữa, làm nữa, cho đến khi nó đúng, lúc đó sẽ xuất hiện một vẻ đẹp mà bạn chưa bao giờ được nhìn thấy. Đừng đánh giá nếu bạn không chịu làm, hoặc làm chưa có đủ.

Cuộc đời này là sự phát triển, cây cỏ cũng mọc cao lên, con người thì lớn lên rồi già đi, vậy thì cái tâm trí đó cần phải phù hợp với thân xác và tuổi tác của mỗi người. Cần có một “ý thức” dẫn đường cho đời sống của bạn, một ý thức đồng nhất giữa tâm trí và trái tim, hài hòa giữa hai cái đó thành một, đó là lúc mà bạn hình thành sự “duy nhất” của chính bản thân mình.

Bằng bất cứ cách nào, bạn cũng phải yêu đời. Triết lý hay không cũng không còn quan trọng. Chân lý cũng trở thành một thứ dễ hiểu, vì rõ ràng, yêu đời chính là chân lý… Đừng một lần nào đem những ngụy biện của mình ra để phản kháng và biện minh cho chính bản thân mình nữa. Bạn thất tình à, bạn bị bỏ rơi, bạn cô độc, bạn bị cha mẹ ruồng bỏ, bạn bị đủ thứ chuyện đau khổ trên đời… Đó không phải là lý do để bạn chui vào cái vỏ bọc để sống tách biệt, sống giả tạo hay sống vô tình với đời. Nếu vịn vào chúng để làm cái cớ, bạn đang vô nhân đạo, bạn đang trốn tránh trách nhiệm và trút lỗi lầm lên quá khứ, lên ai đó, lên cuộc đời. Rồi bạn nói, đời là thế! Tôi không hiểu “là thế” nghĩa là thế nào nhỉ? Nghĩa là đời có lỗi, đời rách nát tươm bươm nên nhào nặn bạn ra một con người không ra gì, sống ích kỷ, tách biệt, cười giả tạo, hay sao? Nếu không tự mình coi đó là những bài học và những món ăn tinh thần đầy giá trị, thì bạn sẽ vẫn giậm chân tại chỗ với cái trí óc đầy ấu trĩ của mình. Nếu như vậy thì đáng tiếc cho bạn, một cuộc đời nhiều sắc màu đã bị bạn gắn cái kính đen xấu xí.

Triết lý là thật, đường lối là thật, lời dạy, lời khuyên, lý thuyết đều là thật. Cái nào giúp người ta sống ngon lành hơn đều là thật hết. Và nếu bạn vẫn giữ cái quan điểm chống lại sự thật để tự đau khổ thì đừng có bảo là không có ai nói với bạn đấy nhé. Mọi thứ đều là thật, và hãy thực hành để nó trở thành của riêng bạn.

Tôi nói vậy thôi, tin hay không tin là quyền của mỗi người. Khôn được, dại chịu. Đời ai người đó sống và tự chịu trách nhiệm. Nếu chạy trốn khỏi tránh nhiệm lại sẽ là một chuỗi dài những hèn nhát khác xảy ra đến cuối đời. Bi hài!

 

Lục Phong

2/1/2014

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. “Bi hài !” lol thật đúng thiên tài.
    Nhưng sự thật làm người ta đau, vì muốn né cái đau nên người ta mới còn là người chứ.
    Mâu thuẫn ấp ủ mới là con người chính hiệu.

Trả lời Nguyễn Quang Nam Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI