35 C
Nha Trang
Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Giá trị của các giá trị

*Feature Image: uiethma

 

Thời gian gần đây tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về vai trò và ý nghĩa của những giá trị khác nhau trong cuộc sống. Từ hàng nghìn năm trước, sự khác biệt trong yếu tố địa lý, khí hậu, tài nguyên đã chia hệ phái ý thức của con người làm đôi, mà đến tận ngày nay sự khác biệt giữa Đông và Tây vẫn còn vô cùng lớn lao.

Lấy câu chuyện về trinh tiết của người phụ nữ làm ví dụ. Tôi vẫn nghe kể đâu đó rằng, ngày trước, phụ nữ chưa chồng mà chửa là nhục lắm, bị gọt đầu bôi vôi cho cả làng xỉ và, thậm chí còn bị thả trôi sông. Ngày nay thì thậm chí làm mẹ đơn thân lại là một xu hướng được nhiều người cổ vũ. Không nói đâu xa, chỉ hơn chục năm trước thì các bạn trẻ vẫn yêu nhau rất “trong sáng”, nhà nghỉ chưa mọc lên nhiều như bây giờ. Mấy hôm trước tụ tập gần chục cô bạn học nói chuyện, cả lũ trố mắt khi biết có đứa vẫn chưa làm “chuyện ấy” với bạn trai.

Xét về khía cạnh con người, tôi cho rằng mọi sự thay đổi về hướng phi bạo lực như việc ngừng cạo đầu bôi vôi là một sự tiến bộ. Tuy vậy, xét về khía cạnh các giá trị nhân văn thì liệu coi nhẹ trinh tiết của người phụ nữ có được coi là một chuyển dịch theo hướng tiến bộ hay không?

Cách nhìn nhận về vai trò của người lãnh đạo là một ví dụ khác về sự khác biệt trong các giá trị trong xã hội. Ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan hay phản ánh rõ nét nhất là trong các nền văn minh như Ai Cập cổ đại, Trung Hoa phong kiến người dân dường như đặt kỳ vọng rất lớn vào việc có được một vị “minh quân” để lãnh đạo đất nước. Vai trò của cá nhân lãnh đạo có vị trí rất quan trọng trong các xã hội như vậy, họ dường như là những người “vĩ đại” và được mong chờ phải có năng lực vượt bậc hơn so với những người khác.

Các công trình kiến trúc hùng vĩ như Kim Tự Tháp hay Vạn Lý Trường Thành là sản phẩm điển hình của các xã hội trọng thị cá nhân lãnh đạo. Khi có vấn đề xảy ra trong xã hội kiểu này, dân chúng thường kỳ vọngvào việc cải cách bộ máy lãnh đạo hơn là huy động nguồn lực tự thân. Ở những nước phương Tây, đặc biệt là Bắc Âu hay trong các nên văn minh như Hy Lạp cổ đại, người ta lại đề cao tính dân chủ trong cơ chế ra quyết định hơn là bản thân người lãnh đạo. Các quốc gia này thường không có những vị vua “vĩ đại” hay những công trình khổng lồ.

Bản thân sự tồn tại của các giá trị khác nhau trong xã hội đã nói lên rằng mỗi giá trị đều tồn tại với lý do của nó. Rõ ràng rằng người phụ nữ “truyền thống và giữ gìn” lẫn người phụ nữ “cá tính và thoáng đãng” đều có thể có cuộc sống hạnh phúc trong một xã hội tôn trọng sự khác biệt. Các quốc gia với những quan niệm khác nhau về người lãnh đạo đều có thể có sự phồn thịnh và phát triển. Vậy thì vai trò của các giá trị là gì? Đấy là điều mà tôi suy nghĩ.

Tôi nghĩ rằng, con người sinh ra với những sự khác biệt, tuy vậy, hạnh phúc dường như đều bắt nguồn từ việc những mong muốn được thỏa mãn. Điểm khác biệt lớn nhất bắt đầu từ việc những nhu cầu của mỗi cá nhân là khác nhau, vì thế cách họ giao tiếp, hành xử với nhau để thỏa mãn nhu cầu của bản thân cũng trở nên khác biệt, đó chính là sự khác biệt giữa các giá trị.

Trinh tiết, có thể biểu tượng cho sự chung thủy, theo đó người phụ nữ gìn giữ cơ thể mình, tình yêu của mình và dành nó cho người đàn ông duy nhất mà cô tin tưởng. Việc không cho phép người đàn ông khác quan hệ thể hiện sự tôn trọng cơ thể của bản thân. Thế nhưng, điều này hẳn không phải có thể áp dụng với tất cả các cô gái, bởi việc “tôn trọng bản thân” và “sự chung thủy” có thể được nhìn nhận theo một cách khác. Đàn ông có xu hướng tách biệt việc quan hệ tình dục thuần túy vì nhu cầu bản năng ra khỏi tình yêu thực sự, điều này khiến “sự chung thủy” của đàn ông không loại bỏ việc quan hệ với gái mại dâm.

Điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ rằng các giá trị mà mỗi cá nhân lựa chọn cho chính họ có xu hướng phù hợp với các nhu cầu bản năng hoặc/và để thích nghi với điều kiện hoàn cảnh địa lý, văn hóa xã hội của họ. Ví như giá trị “tôn trọng” giữa con người với con người là một giá trị có tính đồng thuận cao giữa các nền văn hóa. Nhưng có thể nguồn gốc của việc tôn trọng người khác không phải từ sự tốt đẹp vốn có của con người mà là từ nhu cầu được tôn trọng của mỗi cá nhân. Vì mỗi con người đều yếu đuối trước xã hội, sự tôn trọng người khác đảm bảo cho việc bản thân bạn được tôn trọng lại. Nhưng xét trong một bối cảnh dù ta tôn trọng người khác, họ cũng sẽ không tôn trọng lại ta (như bạn rơi vào tay một bộ tộc man rợ ăn thịt người chẳng hạn), liệu bạn có duy trì giá trị tôn trọng kia? Hay liệu con người có tôn trọng con muỗi?

Điều này dẫn đến một kết luận rằng bản thân các giá trị không có đúng hay sai, mà là mức độ phù hợp của nó đối với các cá nhân và cộng đồng. Việc tôn vinh một giá trị và áp đặt nó lên toàn xã hội sẽ làm trầm trọng hóa các mặt trái của giá trị này về lâu dài. Thay vì vậy, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc bản chất xuất phát của các giá trị, hệ lụy và hậu quả mà nó có thể gây ra cho bản thân người áp dụng và xã hội.

Câu chuyện có lẽ có thể dừng ở đó, nhưng điều khiến tôi trăn trở là cách giải quyết khi những giá trị xung đột và đối đầu lẫn nhau trong một cá nhân? Liệu có thể có sự thương lượng, thỏa hiệp,nhượng bộ giữa hai giá trị đối lập hay là nhất thiết phải có sự đấu tranh, áp đặt một giá trị này lên giá trị khác?

Những suy nghĩ của tôi đến đây trở nên phức tạp và mông lung cho đến khi tôi nghĩ đến một từ: “CHẤP”. Con người muốn quá nhiều, và không từ bỏ được những cái mong muốn đấy. Con người tin vào điều họ muốn tin, và không từ bỏ được những cái niềm tin ấy. Quay đầu lại là bờ, nhưng gian nan ấy đâu phải gian nan thường. Đầu vẫn mông lung, viết ra một bài viết mông lung

 

Hoàng Đức Minh

Homa Bay, 30/12/2013

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI