28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sống với cái tôi hay những nỗi sợ vớ vẩn?

Photo: Tamara Lichtenstein

 

Sợ hãi là một bản năng của con người khi ý thức được các mối nguy hiểm, và thể hiển rõ nhất khi con người ta hoặc bỏ chạy hoặc đối diện với nó. Có vô vàn lý thuyết về nỗi sợ mà bạn có thể tìm thấy ở bất kì đâu trong thời đại bùng nổ thông tin này, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, tôi sẽ chia nó ra bốn dạng tôi thường gặp:

Nỗi sợ chính mình

Tôi đặt nỗi sợ này lên đầu vì nếu bạn không rơi vào dạng này thì việc đọc tiếp sẽ không khả dụng gì nhiều ngoại trừ tính chất tham khảo và tìm kiếm sự đồng điệu đơn thuần. Vì đây là nỗi sợ lớn nhất, bao hàm những cái còn lại.

Người mang nỗi sợ chính mình vẫn thường sợ tất cả, khi mà mọi nơi mọi lúc họ luôn mặc định về những cái “mình không làm được” nhiều hơn và lâu hơn cái “mình làm được”, luôn ý thức về “hậu quả” trước nhất và rõ rệt hơn “kết quả”, sợ người khác nhìn thấy mặt xấu của mình rồi chọn giấu diếm hoặc giả tạo hơn là cố gắng khẳng định để người ta công nhận tất cả con người mình. Họ vẫn thường nhan nhản biện minh cho mình là “sống thực tế/khôn ngoan/nghệ thuật” hay tệ nhất là phủ nhận chính mình “lực bất tòng tâm” gì gì đấy.

Chính vì thế mà cuộc sống trở nên khó khăn, chật hẹp với đầy rẫy những vị trí họ không thể vươn tới, căn bản cũng vì họ quá chăm chỉ và tự giác kẻ ra giới hạn cho mình nhiều hơn là vạch ra con đường vươn tới đích.

Nỗi sợ chính mình thường bắt nguồn từ việc KHÔNG hoặc CHƯA ý thức được giá trị bản thân-khi mà bạn không tìm thấy chỗ đứng của cái tôi trong bản thân mình, không nhận ra bản sắc của chính mình-cái làm bạn khác biệt với tất cả. Không tìm nó, không nhìn nó thì làm sao biết nó, hiểu nó? Mà không hiểu biết nó thì làm sao chinh phục và kiến tạo nó? Sự mù mờ đui điếc đó khiến con người ta phụ thuộc, nghi ngại, không tin tưởng bản thân-đó là mầm mống nỗi sợ chính mình. Và nỗi sợ chính mình chính là ngọn nguồn ẩn sâu bên trong các loại nỗi sợ khác.

Nỗi sợ quá khứ/tương lai

Tôi gộp hai nỗi sợ này lại vì chúng liên quan khá chặt chẽ với nhau. Người ta thường ý thức rõ một trong hai cái này nhưng họ không nhận ra mình đang đồng thời sợ cả hai trong tiềm thức.

Người mang nỗi sợ quá khứ thường sợ lặp lại những sai lầm đã mắc phải hoặc sợ sẽ không đạt được thứ tốt đẹp hơn thứ họ đã từng có rồi trở nên tôn thờ quá khứ và đồng hóa tương lai. Tương tự thì người mang nỗi sợ tương lai thường sợ đưa ra quyết định, sợ chọn lựa, sợ hành động, sợ những cái thậm chí vẫn chưa xảy ra chỉ với nỗi ám ảnh về một thứ hậu quả mơ hồ mà chưa chắc họ đã trải nghiệm.

Cứ như thế, họ vô dụng trong việc thực hiện cái mới và làm mới lại cái cũ. Nên họ cũng bất lực trong việc phát triển chính mình, họ sẽ có sự so sánh ngắn hạn và không tránh khỏi biến tương lai thành một thứ quá khứ dậm chân tại chỗ hoặc biến quá khứ thành thứ tương lai cũ rích cũ rơ, sẽ sống mãi trong cái vỏ ốc đó mà mặc nhiên tất cả đang lao đi ngoài kia..

Nỗi sợ số đông (chứ không phải sợ đám đông)

Tôi phải phân biệt rạch ròi như thế cũng bởi lẽ nếu “nỗi sợ đám đông” chỉ đơn giản là nỗi sợ mang tính tâm sinh lý thì “nỗi sợ số đông” lại phức tạp, ranh ma ẩn mình và nó có vẻ mang tính bản chất cố hữu hơn nhiều. Và trớ trêu cũng chính ở chỗ “có vẻ” ấy, vì nỗi sợ số đông đâu phải bản chất, con người không sinh ra để sợ hãi đồng loại.

Nỗi sợ số đông là một căn bệnh phổ cập qua hai con đường: hoặc tự phát hoặc truyền nhiễm. Bệnh tự phát khi tự bản thân họ thấy “nên” hoặc “phải” theo ý kiến của số đông, lấy mẫu số chung của số đông làm chuẩn mực của chân lý, thậm chí không thèm hỏi “Chân lý là gì?” Bệnh truyền nhiễm khi họ cũng tự hỏi chân lý là gì, nhưng qua một quá trình tiếp xúc dài và lâu, họ kết thúc câu hỏi bằng cách thỏa hiệp và “hội nhập”, thậm chí cả khi biết câu hỏi kia vẫn chưa có đáp án, nhưng thay vì dấu chấm hỏi rộng mở, họ chấp nhận thế tạm vào đó một dấu chấm hết, chấp nhận làm một dấu chấm nhỏ vô tri trong một số đông “an toàn” dễ lẫn.

Nếu bạn thấy mình thuộc tất cả hoặc không thuộc dạng nào trong số các dạng đó mà vẫn kiên trì bảo lưu trong mình một nỗi sợ nào đó tới cùng thì xin thưa, bạn còn thuộc dạng này nữa:

Nỗi sợ vớ vẩn

Nếu rơi vào dạng này thì tôi thấy thật buồn thay cho bạn. Hãy khoan tức dận và dẹp ngay cái lòng tự ái của bạn vào một bên và nhìn lại bản thân một cách trần trụi nhất đi!

Nếu bạn nói với tôi bạn không hề và chưa bao giờ sợ hãi, tôi sẽ không nói bạn dũng cảm mà ngược lại, sẽ khẳng định sự yếu đuối của con người bạn, đến độ không dám thừa nhận sự yếu đuối của chính mình. Con người ta không dám làm gì đó, tức là họ đang sợ hãi điều gì đó.

Những người đọc hời hợt tôi không quan tâm, nhưng nếu bạn đọc trong sự đối chiếu chính mình để hoàn thiện bản thân thì tôi xin chia sẻ điều này-kinh nghiệm bản thân tôi, vì dĩ nhiên, tôi từng sợ hãi.

Đầu tiên, bạn phải nhận biết nỗi sợ của chính mình. Bản chất của sợ hãi không hẳn xấu và chưa bao giờ xấu. Sợ hãi đưa bước chân con người ta vào đúng lối. Nhưng nó chỉ xấu khi sợ hãi tiếp tay cho bản ngã yếu đuối nuốt trọn con người ta vào những góc tối u muội, cứ ở đó cự tuyệt, ở đó than vãn, ở đó quay lưng, ở đó chạy trốn…đó đồng thời là khi nỗi sợ nhường chỗ cho sự hèn nhát lên ngôi, như người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đã nói:

“Fear has its use but cowardice has none.” (Nỗi sợ hãi có công dụng, nhưng sự hèn nhát thì không.)

Bạn đừng sống dễ dãi với chính mình và tản lờ sự sợ hãi-đó chỉ là trạng thái thừa nhận sự tồn tại của nó và chạy trốn nó mà thôi. Nếu bạn hỏi tôi phải làm gì với nó, thì câu trả lời của tôi chính là: “Hãy xem nó là một nỗi sợ vớ vẩn.” Hãy tôn chính mình lên, và hạ bệ nó xuống, vậy thôi.

Muốn hạ bệ nó chưa? Vẫn còn sợ đấy à? Vậy thì:

“Hãy làm điều bạn sợ nhất, và chắc chắn cái chết của nỗi sợ sẽ đến.”(Mark Twain)

Leona

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Những người dám thừa nhận hoặc nhận thức được nỗi sợ của họ. Tôi nghĩ theo một cách nào đó họ là những người dũng cảm. Họ không chọn cách chạy trốn hay đối mặt họ sống cùng với nó xem nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có vẻ bài viết này của bạn có dính dáng đến bài về phê bình. Khi một người thật sự coi nỗi sợ là một cái gì đó vớ vẫn họ cho nó là thường họ vẫn sợ nhưng không né tránh nó theo cách này hoặc cách khác. Như vậy có có đủ tư cách để phê bình bản thân để nhận ra sự thật, ý thức được bản thân, dám chống lại nó. Trước khi phê bình một ai đó, thì người cần phải phê bình đầu tiên là chính mình. Trước khi phê bình mình thì cái cần là phải công nhận nó – ý tôi là cái tôi và nỗi sợ, trước khi công nhận nó thì phải ý thức được nó.
    – Suy nghĩ cá nhân 🙂

Trả lời Sofia Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI