29.2 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Yến Hội (Plato, “The Symposium”) và thần thoại về loài người

 

Ai đã viết Yến Hội?

“The Symposium” (hay trên Wiki gọi là “Yến Hội”) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Hy Lạp cổ điển – Plato. Trong tác phẩm này, Plato mô tả một buổi yến hội ở Athens, nơi các khách mời thảo luận về tình yêu. Mỗi người đều có cơ hội phát biểu quan điểm của mình về tình yêu, và thông qua đó, Plato khám phá những khía cạnh sâu sắc và phức tạp của tình yêu, từ tình yêu dục vọng cho đến tình yêu tinh thần.

Một số diễn giả nổi bật trong Yến Hội bao gồm Phaedrus, Pausanias, Eryximachus, Aristophanes và Agathon. Nhưng diễn giả nổi bật nhất và quan trọng nhất là Socrates, người chia sẻ quan điểm của mình về tình yêu thông qua câu chuyện về Diotima, một nữ triết gia.

Trong Yến Hội, Plato giới thiệu khái niệm về “tình yêu thuần khiết” – một tình yêu không phụ thuộc vào vẻ đẹp vật chất, mà là một tình yêu đối với cái đẹp tinh thần và đạo lý. Đây là một trong những khái niệm cốt lõi trong triết học Plato và đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền triết học sau này.

Yến Hội

Điểm nhấn trong Yến Hội

Trong Yến Hội, Socrates là một trong những nhân vật chính và diễn giả nổi bật. Điểm đặc biệt của Socrates là thay vì tự mình nêu lên quan điểm về tình yêu, ông lại trích dẫn lời của Diotima, một phụ nữ triết gia mà Socrates tôn trọng. Dưới góc nhìn của Diotima, Socrates giới thiệu một quan điểm tiến trình về tình yêu:

  1. Tình Yêu Vật Lý: Bắt đầu bằng việc yêu một người cụ thể vì vẻ đẹp vật lý của họ.
  2. Tình Yêu cho Nhiều Người: Từ việc yêu một người, người ta nhận ra rằng vẻ đẹp vật lý có thể tìm thấy ở nhiều người khác.
  3. Tình Yêu cho Tâm Hồn: Người ta nhận ra rằng vẻ đẹp tinh thần và phẩm hạnh quan trọng hơn vẻ đẹp vật lý.
  4. Tình Yêu cho Tri Thức: Yêu thích việc học hỏi và khám phá kiến thức.
  5. Tình Yêu cho Cái Đẹp Toàn Diện: Cảm nhận và yêu thương cái đẹp trong mọi thứ, không chỉ riêng vẻ đẹp vật lý hay tinh thần.
  6. Tình Yêu Thuần Khiết: Là hình thức cao nhất của tình yêu, không phụ thuộc vào cái đẹp vật chất hay cảm xúc dục vọng. Đây là tình yêu đối với “Ý tưởng về Cái Đẹp” – một khái niệm trừu tượng mà Plato giới thiệu.
Yến Hội

Thần thoại về con người trong tác phẩm Yến Hội của Plato

Câu chuyện này nằm trong tác phẩm Yến Hội của triết gia Plato. Chuyện kể rằng: ngày xưa, con người không mang hình dạng như bây giờ. Thuở ban đầu, con người có bốn tay, bốn chân, và một cái đầu với hai khuôn mặt. Con người được chia ra làm ba giới tính: nam, nữ, và “ái nam ái nữ”.

Yến Hội

Người đàn ông là con của mặt trời, người phụ nữ là con của trái đất, và người ái nam ái nữ là con của mặt trăng, vốn được sinh ra từ mặt trời và trái đất. Vào thời đó, con người rất thông minh, nhạy bén và tài giỏi. Sức mạnh của họ đe dọa đến cả thần thánh.

Trước sự dũng mãnh của loài người, các vị thần trên đỉnh Olympus lấy làm lo sợ. Họ muốn tiêu diệt con người với những tia sét như đã làm với các Titans, nhưng như thế họ sẽ mất đi những vật phẩm mà con người thường dâng lên. Thần Zeus sau đó đã nghĩ ra một cách rất sáng tạo. Đó là dùng phép thuật tách con người ra làm hai nửa, vừa để trừng trị thói kiêu căng của loài người, vừa nhân đôi số người trên trái đất để gia tăng lượng cống phẩm.

Bị thần trừng phạt, những nửa con người chìm đắm trong đau khổ, không ăn uống gì và dần chết đi. Thấy vậy, thần Apollo đã khâu 2 nửa cơ thể để tái tạo lại con người, và chiếc rốn của người ngày nay là dấu vết duy nhất còn sót lại cho hình dáng ban đầu của họ.

Thế là từ đó người nào sinh ra cũng chỉ có một gương mặt, hai cánh tay, hai đôi chân. Vốn không hoàn chỉnh nên con người luôn cảm thấy mất mát cô đơn. Họ sẽ dành cả cuộc đời để đi tìm nửa kia của mình, mãi mãi đi tìm một nửa tâm hồn bị thất lạc. Người ta nói rằng khi hai nửa tìm thấy nhau, họ sẽ thấu hiểu người kia mà không cần lời nói, họ sẽ cảm nhận được sự toàn vẹn của một tâm hồn, và cùng tận hưởng niềm vui hợp nhất vì biết rằng không có hạnh phúc nào lớn lao hơn trên cõi trần thế.

Trở về với thực tại

Bạn có thấy câu chuyện này hay không? Mình thì thấy nó khá thú vị, vì chuyện đánh động mơ ước về tình yêu đích thực của con người, niềm hạnh phúc của sự hòa hợp tuyệt đối giữa hai tâm hồn, ước mơ mà bất kỳ ai cũng từng mong muốn. Ước gì câu chuyện là thật, để mình nuôi giữ hy vọng tìm thấy một nửa. Nhưng đáng tiếc, chúng ta không hề có một nửa nào cả.

Tại sao? Tại vì, mỗi người từ khi sinh ra đã là một bản thể hoàn chỉnh. Có thể bạn không nhận ra, nhưng bạn hoàn hảo theo cách riêng của mình. Bạn không cần một ai khác để lấp đầy. Bạn không cần một nửa để trở nên hoàn thiện, để cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa, để trở về với chính mình. Đừng vì không có ai bên cạnh mà thấy chơi vơi, cô đơn, trống rỗng.

Chúng ta không nên sợ hãi sự cô đơn. Ngay cả khi đắm chìm trong tình yêu hoàn hảo nhất, cũng có đôi lúc người ta cảm thấy lẻ loi. Cô đơn là bản tính của con người. Mỗi người sinh ra một mình, lớn lên một mình, và chết đi trong cô độc. Không ai có thể đi cùng ta suốt cả cuộc đời, nên không thể tránh được những lúc chẳng có ai bên cạnh.

Bởi vậy người khôn ngoan chấp nhận nguyên tắc đó của cuộc sống, họ học cách làm bạn với cô đơn, thỏa hiệp với sự cô độc. Họ tận dụng những khoảng thời gian một mình để phát triển bản thân, nâng cao hiểu biết, hoàn thiện chính mình.

Hành trình đi tìm một nửa còn lại

Trở về câu chuyện đi tìm một nửa. Bạn đã gặp bao nhiêu người mà bạn ngỡ là một nửa đời mình?

Thời đi học, bạn gặp và yêu người cùng trường với mình. Tình yêu giữa hai người trong sáng như sao trời, hồn nhiên như cây cỏ. Bạn yêu người đó với tất cả trái tim, đến nỗi có thể hy sinh thân mình vì người đó. Rồi tình yêu đầu tan vỡ như bao tình đầu khác. Bạn tuyệt vọng tưởng có thể chết đi được, nghĩ thế là hết, suốt cuộc đời này chẳng tìm được ai yêu mình đến thế, hiểu mình đến thế.

Rồi bạn đi làm, bạn gặp và yêu người cùng làm với mình. Một người vừa mạnh mẽ, vừa tinh tế, độc lập và khôn ngoan, người có đủ tiền để đáp ứng những mong muốn của bạn, đủ từng trải để tâm tình và đưa ra lời khuyên cho bạn. Bạn chìm đắm vào tình yêu một lần nữa, nghĩ mình đã tìm được một nửa đích thực của đời mình. Nhưng tình yêu công sở nhàm chán và thiếu thời gian, bạn lại chia tay. Môi trường công sở chán không buồn chết, bạn tham gia vào các hoạt động để làm phong phú cuộc đời.

Bạn học khiêu vũ, đăng ký lớp guitar, bạn đi bơi, học võ, bạn tham gia vào câu lạc bộ từ thiện, nhập hội những người yêu thích du lịch. Bạn lại tìm được người yêu mới của mình ở đó, một người hài hước và thông minh, sâu sắc và tế nhị, có cùng sở thích và những trăn trở về cuộc sống như bạn, có ý chí vươn lên giống bạn, cũng ý thức bảo vệ thiên nhiên và giúp đỡ cộng đồng như bạn.

Bạn thấy một sự gắn bó hòa hợp lạ kỳ với người đó, bạn yêu, và cưới người đó. Cuộc sống hôn nhân có nhiều sóng gió, nhưng giúp đỡ của người bạn đời, hai bạn đều vượt qua. Rồi bạn và người đó cùng chung sống đến đầu bạc răng long, viên mãn hạnh phúc. Nhưng vẫn không thể gọi đó một nửa của bạn.

Sự thực là khi bạn càng mở rộng các giao tiếp xã hội, càng hòa nhập vào những môi trường tương xứng với tính cách của mình, thì bạn càng có cơ hội tìm được một người bạn đời phù hợp. Nhưng không có người nào là của riêng bạn, không có ai là một nửa của bạn cả. Mỗi con người là một cá thể riêng biệt, như một vòng tròn độc lập.

Những cặp đôi cũng như những tập hợp giao nhau, có đôi giao nhau nhiều, có đôi giao nhau ít, nhưng không có tập hợp nào vừa khít, vì ta đâu thể tìm ra được một ai giống y đúc mình trong tám tỉ người trên hành tinh này. Bởi vậy chúng ta không thể chờ mong tìm được một nửa đồng điệu của tâm hồn, người mà ta không cần nói họ đã hiểu.

Mỗi người sinh ra trong một môi trường riêng, được nuôi dưỡng và giáo dục theo một cách riêng, nên hình thành nên tính cách và sở thích riêng. Do vậy, trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng có bất đồng, mỗi cặp đôi đều có những khoảng chênh nhau. Việc của mỗi người không phải là tìm một nửa của đời mình, mà là tìm một người phù hợp nhất có thể, và bắt tay vào khỏa lấp các khoảng chênh kia.

Bởi vậy, cách tốt nhất là cùng người đồng hành giải quyết những điểm khác nhau trong mối quan hệ, để xóa bỏ chúng, hoặc thỏa hiệp với chúng, để người đó có cơ may là người đi suốt đời mình. Còn nếu không, thì can đảm buông tay, và tin rằng, ngoài kia sẽ có những người khác phù hợp với ta hơn.

Tác giả: Rosie Nguyen

Xem thêm

💎 Twin Flame (Linh hồn song sinh) là gì? Bài học của mối quan hệ Twin Flame

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI