19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cái tôi cùng lắm chỉ là một con bò

Photo:  celine nadeau

Bạn có để ý không? Có gì đó không ổn với xã hội hiện đại. Nếu chưa thấy, nhìn kỹ lại, chút nữa và một chút nữa!

Hãy nhìn đủ kỹ và lâu rồi nói với tôi là bạn đã thấy những bất ổn.

Nếu bạn muốn sống tốt và được lòng mọi người ở cái xã hội hiện đại này. Cách duy nhất, cách hay nhất, kể cả là từ xưa đến giờ, nó luôn đúng, đó là: Tâng bốc cái tôi của người khác.

Tâng bốc cái tôi là một nghệ thuật, và người ta có thể đào ra rất nhiều thứ từ đó, thậm chí là những kho vàng.

Nghệ thuật marketing, PR, truyền thông, chẳng có gì khác là đánh vào tâm lý, đánh vào điểm yếu của cái tôi. Kích thích sự tò mò và “thói hưởng thụ” của cái tôi.

Nghệ thuật ngoại giao, chẳng có gì tốt hơn là việc “lắng nghe” những gì người khác nói. Bởi vì ai cũng thích nói hơn là thích nghe. Cái tôi tự nó thích thể hiện. Và bạn có thể lấy lòng người khác với “không một lời nào”. Ghê gớm chứ?

Kinh doanh mua bán là đánh vào sự ganh tỵ, sự thèm muốn, sự “thích chứng tỏ”, sự sĩ diện của cái tôi. Cậu mua cái này đẹp? Tôi sẽ mua cái khác độc hơn mà cóc đụng hàng. Cậu mua đồ bên Hàn? Tôi đặt ship từ Mỹ về. Cậu sexy? Tôi gợi cảm. Cậu lịch lãm? Tôi bụi bặm… Có quá nhiều để có thể liệt kê hết…

Từ cái tôi, nảy sinh cả đống dịch vụ không cần thiết hoặc chẳng có gì hay ho, nhưng thật sự thì chúng đã, đang thịnh hành và tiếp tục phát triển.

Tôi cóc biết cái tôi là gì, hình thù ra thế nào. Có lẽ nó vô hình, hoặc vô dạng. Nhưng người ta có thể dễ dàng cột dây và dắt mũi nó như một con bò. Nhìn cách mà giới truyền thông đang dắt mũi giới trẻ thì biết. Truyền thông đăng tải cái này, truyền thông muốn chúng ta biết đến cái kia, truyền thông thích thì khuếch trương và lăng xê cho trường phái này, thích bỏ qua trường phái kia… Và thế là chúng ta ngồi nhận những thứ đó giống như một đứa trẻ ngồi chờ được phát bánh.

Hãy thỏa mãn cái tôi cho người khác, và bạn sẽ có được cái bạn muốn.

Tôi đang nói năng xằng bậy và phi thực tế. Nếu nhận được một câu hỏi: Nếu không thỏa mãn cái tôi cho người khác thì chúng ta sẽ làm gì cho họ? Chắc tôi sẽ bó tay. Bởi vì loài người làm đúng theo cái tiến trình tiến hóa và phát triển.

Nhưng… (lại nhưng), có gì đó mà tôi thấy rất giống với sự “lợi dụng” lẫn nhau. Tôi muốn cua con này, tôi đánh vào tai nó vài lời mật ngọt; tôi muốn bán món hàng này, tôi nịnh nọt và nói vài lời kích động cái tôi; tôi muốn hướng người khác theo đường mà tôi muốn, tôi nhẹ nhàng đánh vào cái tôi và dụ họ; tôi muốn chọc tức thằng đó, tôi buông vài lời khiêu khích – sỉ nhục và xem thường…Và đương nhiên, tất cả những thứ đó, người ta cũng có thể sẽ làm ngược lại với tôi. Có gì đó dao động giữa cái “muốn” và cái “được thõa mãn” của cái tôi.

Chúng ta hình như hàng ngày đều vác cái tôi của mình ra bắt nó phải chạy đua, phải làm cái này, phải làm cái kia, phải tranh đấu, phải hơn thua, phải tham gia vào cái vòng xoáy của những nhận định, những lời khen tiếng chê, lời ra tiếng vào, đến tối mịt mệt mỏi rã rời, nếu không thì sẽ bị thế lọ, bị thế chai… Tôi nghĩ, có gì khác với một con rối chăng?

Chung quy, cái tôi sợ sệt! Và nó bắt đầu phòng thủ, bằng đủ mọi cách thức có thể, với mọi suy tính có thể. Với cái tôi, cuộc đời này thật đáng lo lắng. Cái tôi sợ bị bỏ rơi, sợ bị người khác cười vào mũi vào tai, và… cái tôi sợ bị lạc lõng. Nỗi sợ đã che mờ tất cả.

Màn sương mù của nỗi sợ chiếu rọi từ cái tôi ra bên ngoài, và ánh mắt chúng ta dần mờ, tầm nhìn xa chỉ còn 10 mét, vì thế, chúng ta quanh quẩn – không còn có thể nhìn gì đó xa xôi hơn, rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn được nữa.

Cái tôi như một con bò, bị hệ thống xã hội này dắt mũi tới một khoảng đất nhỏ, xung quanh là sương mù dày đặc không thể nhìn thấy gì, và cách mà con bò chọn là cúi đầu xuống và gặm cỏ… Gặm đã, con bò cảm thấy rất sung sướng, ợ lên để tiêu hóa thức ăn. Nó cảm thấy sung sướng quá, việc của nó chỉ là tiêu hóa – tiêu hóa bằng hết tất cả những gì ông chủ của nó muốn nó tiêu hóa. Cuộc đời con bò đâu tự biết được sự vô vị, cho đến một ngày nó bị bắt đem ra xẻ thịt làm đồ ăn, bị tận dụng đến nỗi chỉ còn có vài khúc xương, người ta mang vứt.

Có gì đó bất ổn!

Và, tôi nghĩ: Chúng ta có phải là những con bò không? Hay, cái tôi của chúng ta có phải là những con bò không? Nếu phải thì chúng ta có nên tiếp tục để bị dắt mũi nữa không? Ngày mai người ta sẽ cột dây và dắt mũi bạn tiếp, bạn có đưa mũi cho người ta dắt không?

Chúng ta có việc gì đó cao lớn hơn phải làm, làm những thứ mình thích chỉ bởi vì mình thích, làm những thứ cần vì nghĩ là nó nên làm, bởi vì nhận thức đúng đắn của bản thân ta kêu gọi. Chẳng phải vì những tiếng ồn xung quanh hay sự mong đợi, làm hài lòng những người mà chúng ta chẳng quen biết.

Ý tôi là, cái tôi to lớn bỗng từ khi nào tự dưng lại nhỏ bé và hèn mọn đến như thế. Ngày mai đây, bước ra đường, và nếu có thể trút hết mọi xiêm y trên người, chúng ta có thể còn lại gì đáng được khen là đẹp? Và nếu nếu chúng ta bị lấy mất đôi tai, chúng ta có còn cảm thấy cuộc sống này đẹp nếu không còn nghe được những tiếng khen. Mất đi cặp mắt để nhìn người này đi xe xịn, người kia mặc đồ quá thời trang, thì chúng ta có thấy được vẻ đẹp của một cô gái?

Nếu chỉ còn bạn trong bóng tối, với cái tâm thức rõ ràng, trong sáng và minh bạch, không gian lặng im, bạn cảm thấy điều gì? Hay chỉ là một sự trống rỗng!

Đừng có ảo tưởng những thứ xung quanh thuộc về bạn. Không có đâu, chẳng có gì cả, ngoại trừ cái tâm thức đó. Lo trau dồi cái tâm thức – cái tôi đẹp đẽ đó đi, nó không tầm thường như cách mà chúng ta nghĩ hay thưởng sử dụng đâu…

Có việc gì đó cao hơn để chúng ta làm trong 1 cuộc đời ngắn ngủi… Đó là được “chơi”, theo cách mà chúng ta muốn… Nhớ là, hãy giữ cho cái đầu óc được tỉnh táo và đừng bảo giờ để bản thân bị dắt mũi vì bất cứ điều gì! Bất cứ một lần nào nữa…

 

 

-Lục Phong-

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Đúng là trình bày quá khó hiểu, nhưng đọc chậm, ngẫm nghĩ thì thấy thích bài viết của tác giả. Ủng hộ kiểu suy nghĩ tượng hình của tác giả về cái tôi như một con bò, đoạn tượng hình làm nổi bật rõ toàn bộ bài viết.

  2. Chào bạn.
    Sau khi đọc kỹ tôi thấy bài viết trên của tác giả có một số vấn đề như sau:

    -Về trình bày: Bài viết được chia ra làm quá nhiều đoạn cùng với nhiều luận điểm trong khi không có luận chứng, luận cứ xác đáng. Hệ thống luận điểm của bài viết nhắc đến cụm từ như là: " bất ổn xã hội " ," sống tốt ", "được lòng người", "tâng bốc cái tôi của người khác", "cái bạn muốn", "điểm yếu của cái tôi", "Nghệ thuật ngoại giao", "tiến trình tiến hóa và phát triển". Bài viết cần phải giải thích hoặc nói rõ cho người đọc cách hiểu của tác giả về những cụm từ trên vì đây là những cụm từ không mang ý nghĩa rõ ràng, 9 người 10 ý. Ngoài ra mình nghĩ bài viết nên có thêm các quan điểm về đảm bảo cuộc sống, lợi ích cá nhân, cạnh tranh giữa các cá nhân như vậy mạch suy luận sẽ hợp lý hơn.
    -Về lập luận logic:
    Thứ nhất "sống tốt và được lòng mọi người" không phải là hai thứ đi liền với nhau, chúng chả liên quan gì đến nhau thậm chí là đối nghịch nhau theo quan điểm của một số người. Với một từ khóa là "làm vừa lòng mọi người" trên google có rất nhiều kết quả theo hướng ngược lại so với bạn. Xét mẫu câu sau đây: "Muốn có A và B thì ta phải làm điều C". Trong trường hợp A và B không cùng tồn tại thì câu trên là vô nghĩa. Vì vậy câu "muốn sống tốt và được lòng mọi người thì phải tâng bốc cái tôi của người khác" cũng rơi vào hoàn cảnh trên. Hơn nữa trong trường hợp này tôi lại càng không thể tìm ra được mỗi liên hệ giữa vấn đề A và C. Như vậy là bài viết đã mắc lỗi nghiêm trọng khi đặt vấn đề.
    Thứ hai . Tôi nghĩ vấn đề này nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Vể mặt nguyên tắc bạn có thể nêu suy nghĩ của bạn, quan điểm của bạn, nhưng vì bạn không xét đến quan điểm của tất cả mọi người nên bạn không thể dùng từ "chúng ta" trong bài viết. Bạn lập luận, bạn tư duy nhưng bạn lôi cả người đọc vào những kết luận của mình và gọi họ là "con rối" bằng cái mớ lập luận đó. Nguy hiểm nhất là cậu đưa ra lời khuyên cho " chúng ta", đừng thế này hãy làm như thế kia.
    Thứ ba. bạn căn cứ vào đâu để nói rằng trong việc ngoại giao lắng nghe là thứ quan trọng nhất. Bạn có nhầm lẫn giữa ngoại giao và giao tiếp không?. Ngoại giao thì phức tạp hơn nhiều và nhà ngoại giao thì quan tâm đến việc giành lợi ích hơn là được lòng người khác đấy.
    Thứ tư : bạn đánh đồng giữa việc mua bán hàng xa xỉ với hàng thông thường, cũng như thứ cấp. Việc sử dụng từ ngữ của bạn nên cụ thể hơn trong trường hợp này.
    thứ năm: câu nói của bạn "Hãy thỏa mãn cái tôi cho người khác, và bạn sẽ có được cái bạn muốn" ,cái này chỉ có tác dụng trong chừng mực nào đó thôi, khi đụng đến lợi ích, quyền lợi của nhau thì còn lâu bạn nhé.
    Thứ sáu:"Nếu không thỏa mãn cái tôi cho người khác thì chúng ta sẽ làm gì cho họ", vì bạn không giới hạn cụ thể "thỏa mãn cái tôi cho những người khác " đến mức độ nào nên tôi cũng không thể trả lời rõ ràng được. Tôi thì nghĩ rằng giúp người thân bạn bè trong lúc khó khăn, giúp những người xung quanh tin vào những điều tốt đẹp cũng là một điều nên làm rồi.
    Thứ bảy: tôi không hiểu" tiến trình tiến hóa và phát triển của loài người" là như thế nào mà bạn bảo con người làm đúng theo cái tiến trình đó?
    Thứ tám: tôi trích nguyên cả đoạn này lên "Chúng ta hình như hàng ngày đều vác cái tôi của mình ra bắt nó phải chạy đua, phải làm cái này, phải làm cái kia, phải tranh đấu, phải hơn thua, phải tham gia vào cái vòng xoáy của những nhận định, những lời khen tiếng chê, lời ra tiếng vào, đến tối mịt mệt mỏi rã rời, nếu không thì sẽ bị thế lọ, bị thế chai… Tôi nghĩ, có gì khác với một con rối chăng?" . Tôi cứ tưởng bạn biết rõ" tiến trình phát triển của loài người" vậy mà bạn lại không công nhận sự cạnh tranh. Ai khỏe hơn, ai dai sức hơn, ai thông minh hơn, ai tạo ra được sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao hơn thì người đó thắng. Trong khía cạnh này tôi nghĩ rằng một xã hội khuyến khích cạnh trạnh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng, hạn chế các cá nhân tiêu tốn thời gian và năng lượng để đấu đá lẫn nhau là một xã hội tốt hơn những xã hội khác.

    Tôi nghĩ rằng nên kết thúc bình luận của mình ở đây, dù sao đi nữa tôi cũng cảm nhận được lối suy nghĩ của bạn và tôi có khá nhiều điểm chung..
    Cảm ơn bạn nào đọc được đến đấy. Kết bạn với mình nhé.

  3. Her.. thế nếu cái tôi thích là chính cái tôi đấy thì sao ?? chính ông cũng phán rằng "Nhớ là, hãy giữ cho cái đầu óc được tỉnh táo và đừng bảo giờ để bản thân bị dắt mũi vì bất cứ điều gì! Bất cứ một lần nào nữa…" nhớ điều đó. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, ông không thích ứng được chỉ đơn giản là nhãn quan của ông không đồng điệu với hệ quy chiếu của cuộc sống, của người khác mà thôi. Quan điểm của tôi là "làm những gì mình thích, thích những gì mình làm
    "

  4. Một sự bâng khuâng trong lòng tôi, đó là ý nghĩ chúng ta đang bị lạc ở giữa một con sông rộng ko thấy bờ. Chúng ta không biết nơi đâu là gần bờ nhất và nước đang ròng hay lên. Cũng như vậy, tôi không biết rằng chính cái ý nghĩ của tôi ngay giờ phút này, niềm tin và quan niệm, đó là của xã hội cài đặt cho tôi hay từ bản ngã của tôi? Tôi không biết, nhưng tôi không muốn bị cầm tù bởi xã hội hay bởi lòng ham muốn của mình!

Trả lời Shyn Oh Bee Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI