26 C
Da Lat
Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đi vào “cuộc chơi”của Thuận

Thích đọc các tác phẩm của Thuận, nhưng để lý giải vì sao lại thích thì vẫn có một cảm giác mơ hồ, giống như bị gây ấn tượng mạnh khi tiếp xúc ban đầu mà không sao nắm bắt được một cách rõ ràng sau đó. Theo dõi tất cả các bài báo viết về Thuận, dường như không nhiều người phân tích được một cách rõ ràng, trọn vẹn về một cuốn tiểu thuyết của Thuận. Hầu hết các bài viết về Thuận đều ở dạng phỏng vấn, mà qua các câu trả lời của tác giả, người ta mới làm rõ ràng hơn được về điều chị muốn nói.

Đọc văn của Thuận giống như bạn được ăn một món ăn lạ nhưng chưa chắc đã dễ ăn. Không rõ khi lao động nghệ thuật, người cầm bút đã phải vất vả vật lộn với từng câu chữ ra sao, nhưng khi tác phẩm được đến với bạn đọc thì câu chữ trơn tru đến độ người đọc không muốn bỏ một tình tiết nào. Như thể nhân vật, tình tiết, sự kiện… được tác giả sắp đặt bầy binh bố trận hết rồi, khi viết cứ thế mà tuôn trào ra. Như thể mọi kiến thức, trải nghiệm, hiểu biết về xã hội Việt Nam và xã hội Pháp đã ngấm sâu vào chị, khi viết chỉ cần chọn lọc những tình tiết từ vốn sống dồi dào sẵn có để đưa vào tác phẩm.

Đọc các tác phẩm của Thuận, bạn sẽ đứng lơ ngơ giữa mê cung của những tình tiết hóm hỉnh, ngôn từ lặp lại, cấu trúc độc đáo, hiện thực xã hội hiện lên ngồn ngộn, và bạn không khỏi không tự đặt ra câu hỏi, vậy rốt cuộc tác phẩm định nói gì? Còn tác giả thì cứ khăng khăng khẳng định rằng chị không định dùng cả một tác phẩm dài như thế để nêu lên một triết lý cuộc đời, chị chỉ quan tâm đến việc “sáng tạo ra ngôn ngữ của riêng mình” và đi tìm tòi những thể nghiệm độc đáo về cấu trúc của tác phẩm mà thôi.

Như thế, cần phải tìm một chiếc chìa khóa để tiếp cận các tác phẩm của Thuận.

1. Thể nghiệm mới về nghệ thuật:

Khi cầm bút, ai cũng có những mục đích và lý do riêng của mình. Khi tiếp cận bản thảo của Thuận, tôi nhận ra rằng chị thật sự đắm chìm trong cuộc chơi của riêng mình, mải mê với những trải nghiệm đầy mới mẻ của mình, mà độc giả chỉ đơn thuần bị cuốn vào cuộc chơi ấy. Người đọc khi đã tham gia thì không có lối thoát, không có sự lựa chọn khác, buộc phải theo, phải nghĩ, phải cảm, phải tìm ra những lời giải của riêng mình.

Nếu như trong Made in Vietnam tác giả đưa những cái tên có thật vào tác phẩm để hư cấu thì trong hai tiểu thuyết ChinatownT mất tích sau này, Thuận trực tiếp đưa mình vào cuộc chơi, cố tình làm rối trí bạn đọc. Theo dịch giả Cao Việt Dũng, đây là hiện tượng autofiction (tự hư cấu), đặc biệt phổ biến trong văn học Pháp. “Tự hư cấu về bản thân mình, dựa trên một số/nhiều yếu tố tiểu sử có thật, làm lạc lối, rối trí người đọc, gây ra những bất ổn về cảm nhận/nhận biết/đạo đức về sự thật.” [1]

Từ những chi tiết nhân vật trong Made in Vietnam từng học ở Nga, ở Pháp (giống cuộc đời thật của tác giả), cho đến nhân vật T trong T mất tích được cố tình khiến độc giả tìm thấy những nét tương đồng với tác giả. Đoạn vĩ thanh của T mất tích mập mờ một cách hữu ý để người đọc liên tưởng tới việc sự mất tích của T giống như sự mất tích của tác giả ngoài đời, người tạm lánh đâu đó ba tháng để hoàn thiện công việc viết lách của mình.

Các nhân vật trong truyện của Thuận trở đi trở lại đều xuất hiện với công việc vừa dạy học vừa kiêm viết lách. Từ Made in Vietnam (ẗự viết truyện ngắn I´m Yellow) cho đến T mất tích, rồi Thang máy Sài Gòn ta đều thấy nhân vật trăn trở với công việc viết văn như chính tác giả gửi gắm tâm sự của mình vào đó. “Lúc đó, cô đã thử viết truyện ngắn, tối tối ngồi gõ máy tính, gõ mãi gõ mãi vấn thấy văn chương là cõi mơ hồ.” (Thang máy Sài Gòn).

Người đọc có thể đoán già đoán non về những tình tiết hư hư thực thực, nhưng tác giả thật ra chỉ đang bận bịu với cuộc chơi của chính mình mà thôi: “Tôi muốn đóng vai một nhân vật, giống như trong điện ảnh nhiều đạo diễn vẫn đóng vai một nhân vật trong phim của mình vậy” [2] Càng tìm đọc kỹ các tác phẩm của Thuận, ta càng thấy sự chủ động một cách quyết liệt của tác giả trong những thể nghiệm mới của mình khi sáng tác.

Cách xây dựng nhân vật của Thuận khá độc đáo ở chỗ hầu như các nhân vật chính không mấy khi được diễn xuất mà hình ảnh của họ được xây dựng qua tình cảm, suy nghĩ hoặc những mảnh ký ức của những người khác. Cả Thụy trong Chinatown, T trong T mất tích, hay hình ảnh của người mẹ trong Thang máy Sài Gòn đều bị xóa trắng ở thì hiện tại, đều vắng mặt/mất tích/chết và là cái cớ để nhân vật “tôi”/người chồng/người con bắt đầu những cuộc hành trình tìm kiếm của riêng mình. Mỗi một con người, mỗi một cuộc đời đều có những sự thật của riêng mình và Thuận chọn cách phản chiếu một sự thật khác về cuộc đời ai đó thông qua tâm hồn và câu chuyện kể của những người khác. Đọc tác phẩm của Thuận, một lần nữa người đọc lại tự phải hoài nghi về những thế giới song song nằm bên trong nội tâm của con người với cuộc đời có thực trong hiện tại.

Trong Vân Vy Paris 11.8, các nhân vật được sống nhiều hơn, được hành động nhiều hơn, được trực tiếp giao tiếp và kể lể với bạn đọc nhiều hơn về cuộc đời mình. Nhưng các nhân vật được đặt trong sự tổng thể với các nhân vật khác, có sự so sánh tương phản để làm nổi bật lên những số phận, những cuộc đời, những khao khát sống.

Một trong những điểm hấp dẫn và lôi cuốn khác trong cách thể hiện của Thuận là một số tác phẩm bắt đầu bởi một nút thắt, khiến cho các nhân vật là người bình thường nhưng hành động chẳng khác gì thám tử. Người đọc bị cuốn vào một cuộc chơi mới, cùng với nhân vật đi theo dõi các nhân vật khác, hồi hộp tưởng rằng sẽ kiếm tìm được kết quả. Nhưng sự thực thì chẳng có kết quả nào cả. Trong cả T mất tíchThang máy Sài Gòn, cả nhân vật và người đọc đều tham gia vào một cuộc hành trình đi tìm một kết quả này nhưng lại thấy những điều khác trong cuộc sống.

Về cấu trúc, Chinatown được viết theo kiểu truyện lồng truyện trong đó I´m Yellow được lồng vào trong Chinatown. Paris 11.8 phân chương đoạn nhưng là sự kết hợp giữa văn chương và báo chí. Ở mỗi đầu một chương một đoạn tin tức trên báo về nước Pháp. Đến Thang máy Sài Gòn, tiểu thuyết phân chương hồi rõ ràng như một cấu trúc tổng thể. Sau mười năm, trong Thang máy Sài Gòn, độc giả không bị “lôi xềnh xệch” từ Hà Nội sang nước Đức giống như trong Made in Vietnam mà được bay từ Hà Nội, Sài Gòn, Paris để đi tìm những bí ẩn về hiện tại và quá khứ, cũng như những lời giải đáp về tình mẫu tử.

2. Những khát vọng thầm kín

Nhìn nhận vấn đề lịch sử và xã hội theo cách của một nhà văn, Thuận chọn cho mình cách trực diện những góc cạnh rất hiện thực của cả xã hội Việt Nam và Pháp. Cả Hà Nội thơ mộng lẫn Paris hoa lệ đều hiện lên một cách nhôm nhoam có chủ ý trong các tác phẩm của Thuận. Người đang sinh sống tại Pháp đọc các tác phẩm của Thuận rất thích ở những chi tiết hài hước nhưng khá chân thực về xã hội Pháp. Như thể một cách tiếp cận gần gũi hơn về chính sách xã hội, cuộc sống và con người Pháp.

Tôi cho rằng điều làm nên sự đặc sắc và cuốn hút trong các tác phẩm của Thuận không chỉ là phong cách thể hiện như tác giả từng chăm chút, mà chính là góc nhìn và quan điểm của nhà văn về thời cuộc, cùng những gửi gắm về khát vọng thầm kín thông qua cuộc đời các nhân vật.

Thuận chọn cách giễu nhại và hài hước về hiện thực những tháng năm chiến tranh, bao cấp và thời đại chúng ta đang sống. Nhà văn đã khắc họa một cách sống động về xã hội mà ở đó con người ta chưa bao giờ được sống thật với chính bản thân mình. Trong cái xã hội không chỉ nhôm nhoam và đầy giả tạo đó, có những nghịch lý là người Việt ra nước ngoài thì xài tiền như nước. Trong Paris 11.8, từng đoàn khách Việt Nam sang Pháp dùng tiền của nhà nước nên tiêu pha rất thoáng. Anh Mai trong Thang máy Sài Gòn tiêu tiền ở Việt Nam hay nước ngoài cũng chẳng phải nghĩ. Còn người Việt nhập cư ở nước ngoài trong hầu hết các tác phẩm của Thuận đều có cuộc sống tương đối tằn tiện, kham khổ, thiếu thốn.

Trong bối cảnh ấy, người ta phải bận sống cho những cái mác bề ngoài, cho những căn bệnh thành tích, cho những vai diễn, những thứ đầy ồn ào và sáo rỗng. Từng cá nhân phải giấu mình đi cho khỏi bị khác biệt, phải gói ghém những tâm tư thầm kín của mình về hạnh phúc, hoặc làm những cuộc vượt ngục về tinh thần. “Tôi” trong Chinatown, T trong T mất tích, Vy trong Vân Vy, người mẹ trong Thang máy Sài Gòn đều có những uẩn ức và khao khát riêng tư, mà, chỉ có điều đó mới làm họ trở nên khác biệt trong thế giới này. T cuối cùng đã bỏ đi để phá vỡ sự nhàm chán của một cuộc hôn nhân, Vy đi theo tiếng gọi của người tình. người mẹ trong suy nghĩ của người con, có thể có một mối tình thầm kín nào đó với một người đàn ông Pháp.

Bi kịch ấy của cuộc sống là những người thân chẳng hiểu biết gì về nhau, các mối quan hệ là bố mẹ, mẹ con, anh em đều lỏng lẻo. Lỏng lẻo đến mức khi người này biến mất, người kia chẳng có chút khái niệm đầy đủ nào về họ, ngoài những dấu vết hết sức mỏng manh. “Những người ở cạnh mình là những người mình ít quan tâm nhất. Anh có cảm giác anh cũng không biết gì mấy về cả bố lẫn mẹ” (Thang máy Sài Gòn).

Sự hấp dẫn trong các tác phẩm của Thuận chính là ở chỗ tác giả đã xây dựng lên những bi kịch cuộc sống quá thật, quá đúng, với thời đại của chúng ta. Nơi mà tình yêu thương và sự thấu hiểu giữa tâm hồn con người với con người đang cần cất lên tiếng nói. Nơi mà cho dù những năm tháng bao cấp đã đi qua rất lâu, cuộc sống cũng không còn quá nhôm nhoam nữa, nhưng sự giả tạo, bệnh thành tích, những bất công đầy rẫy trong xã hội vẫn chưa hề chấm dứt. Ẩn sau những tiếng cười giễu nhại ấy, người đọc vẫn có thể tìm thấy cuộc sống và nội tâm của mình, đang được gói ghém một cách kỹ càng đâu đó.

3. Chờ đợi những ẩn số mới

Có thể, trong đời sống của những năm tháng bao cấp con người ta không được cất lên những tiếng nói thầm kín, cũng như được sống khác biệt với tất cả mọi người, nên các nhân vật trong truyện của Thuận mải mê sống trong thế giới tưởng tượng của mình.

Thời đại của những năm đầu thiên kỷ thứ ba đã khác, đất nước phát triển và hội nhập hơn, nhưng cũng đầy rẫy các vấn đề nhức nhối hơn của xã hội. Thời đại của mạng xã hội, của những sự kiện văn hóa chính trị được bình luận sôi nổi không ngớt ở khắp mọi nơi. Thời đại mà những tàn dư của thế hệ cũ còn chưa qua và bao nhiêu ung nhọt mới vẫn đang nảy sinh khiến con người ta sống hoang mang giữa những giá trị sống đang bị tha hóa, đảo lộn.
Liệu rằng các nhân vật trong truyện của Thuận đã thoát khỏi được bóng tối của căn bệnh thành tích và cuộc sống giả tạo hay chưa? Liệu rằng họ được hành động nhiều hơn tưởng tượng hay không? Người đọc mong được tham gia vào một chơi đầy ẩn số mới trên con đường sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi của nhà văn Thuận.

 

Đoàn Minh Hằng

 

Ghi chú:

[1] Nhã Thuyên – Trò chơi văn bản và những tương tác (Đọc “Chinatown” của Thuận)

[2] Nhà văn Thuận về Hà Nội kể chuyện “T mất tích”

 

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,550Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI