18 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản Mạn Về Chuyện Thần Tượng

*Photo: Adrian Steirn

 

Ta thường có phản xạ mạnh khi ai động đến thần tượng của mình. Nhiều khi giận mất khôn, cải vã ngây ngô đến buồn cười. Hình như bản tính rất phổ biến này không tùy thuộc nhiều vào dân tộc, tuổi tác, quan điểm chính trị, hay cả học vấn. Theo nhận xét rất giới hạn của tôi thì những tay chuyên về khoa học kỹ thuật ít bị ảnh hưởng “ấu tròn, bồ hòn méo” vì cảm xúc hơn một chút, nhưng cũng chỉ một chút thôi. Tuy biết mình cũng không ngoại lệ, tôi vẫn thường châm biếm cái yếu điểm này nơi người khác, nhất là khi bàn về chính trị, lịch sử. Cái note Ấu Bồ Hòn của tôi làm nhiều người, thân cũng như sơ, rất xùng nhưng chưa ai có phản bác gì hợp lý cả. Cười đùa người khác là tính xấu, nhưng đã quen nết rồi. Thôi thì đành biện minh rằng làm thế không chỉ để tiêu khiển, mà để góp phần cải thiện chất lượng của cuộc tranh luận.

Hôm trước vừa đi leo núi, vừa tán dóc với một thằng bạn Mỹ. Tôi kể cho nó chuyện mình hì hà với đồng hương trên mạng. Nó chê là tôi đánh lén. Tôi trố mắt, “Tên tuổi hình ảnh tao rõ ràng. Rút súng nã đạn ngang nhiên còn hơn John Wayne trong phim cao bồi. Lén lút gì?” Nó giải thích, “Không phải thế. Người ta bày bàn thờ để bạn bè, đồng chí đến chiêm bái, ngưỡng mộ. Mày tình cờ đi ngang, dừng lại cười đùa, báng bổ, rồi chuồn đi. Cho công bằng, mày cũng phải đem bàn thờ của mày ra. Thần tượng của mày là ai? Đừng nói ngông mà dại như mấy em mới lớn là không có thần tượng nhé. Tụi mình đã qua cái giai đoạn đó lâu rồi.”

Tôi gật gù đồng ý rằng dù có gọi là thần tượng hay không, ai cũng có những người làm mình rung động với cái mình cho là chân thiện mỹ. Ai làm ta cảm xúc có thể nói lên ta là người như thế nào. Có lẽ vì thế mà khi thần tượng bị đụng chạm ta hay nổi dóa. Thằng bạn của tôi đồng ý nhưng lại láu lĩnh giàn bẫy, “OK, nhưng mày cũng không được nói thần tượng của mày là Jesus như George Bush nhé.” Câu trả lời của Bush bị nhiều người chế giễu vì giống như em bé trả lời em yêu mẹ em, không sai nhưng chẳng có gì đáng nói. Biết nó đang kiếm chuyện để lý sự, tôi tung đòn phủ đầu trước, ” Không như bọn trí thức nửa mùa tìm cách màu mè để hù mấy em nai tơ mới lớn, Bush thành thật tôn thờ Jesus. Ai cũng biết y rất ngoan đạo.” Thằng bạn tôi khiêu khích, “Jesus? OK. Phật? OK. Muhammad? OK. Rồi sao nữa?” Nó và tôi tranh luận suốt cả cuộc leo núi về một tay chính khách Mỹ.

Những người mà tôi cảm thấy là “thần tượng” phải có cái gì quen thuộc, gần gũi. Nếu không được gặp mặt, nghe tiếng, tôi phải biết người ta qua phim ảnh, sách báo thì mới cảm xúc được. Chỉ biết về lý trí thôi thì cũng không thật sự rung động. Tôi kính phục những người đang hy sinh chống độc tài nhưng không cảm thấy gần gũi vì không biết họ. Người như tôi chính là đối tượng béo bỡ của các cơ quan tuyên huấn. Sau mấy chục năm bị ảnh hưởng bởi văn hóa, giáo dục, cuộc sống và mọi hoạt động tuyên truyền, tẩy não của mọi bên (bên nào tôi cũng tò mò muốn biết họ nói gì), tôi có một số thần tượng.

Người đầu tiên rất đúng với nghĩa đen của hai chữ này. Tượng thì ông có rất nhiều, thần thông thì tương truyền cũng ghê gớm lắm. Ông tên hiệu là Thích Ca, chết lâu rồi. Tôi lớn lên với hình bóng ông trong gia đình. Bây giờ nhận ra là từ lâu cảm xúc của mình đối với ông giống như con em với thầy, với cha hơn là tín đồ với giáo chủ. Có nhiều điều tôi vẫn chưa thông, vẫn nghi ngờ, nhưng nói chung thì ông là thần tượng pít-ti gút của tôi.

Hai người tôi rất kính mến thì cũng vừa mới qua đời, cả thế giới đều có nhắc đến. Hai ông Võ Nguyên Giáp và Nelson Mandela đều có dính dáng đến độc tài cộng sản là điều tôi không ưa nhưng cũng hiểu. Ông Phi đến cuối đời vẫn hết lòng với những đồng chí từng cùng tranh đấu chống thống trị, Fidel Castro và Robert Mugabe, mà không chấp nhận sự thật rằng những tay này đã trở thành độc tài, tham quyền, hại dân. Ông Việt thì một đời tận trung với Đảng, ngay cả khi trên thực tế Đảng đã trở thành một đảng cướp. Nhưng cuộc đời và nhân cách của hai ông thì tôi khâm phục lắm. Ông Việt thì tôi có viết một cái note về suy luận của mình. Ông Phi thì chưa có dịp. Có thể sẽ có người khách quan vô tư nhận xét rằng ảnh hưởng và tiếng tăm của ông Phi phải để trên hàng ông Việt nhiều. Hà hà, đây là danh sách của tôi, và tôi là người Việt.

Chưa chết, còn đang chạy lòng vòng với chúng ta thì có ba nhân vật. Lớn tuổi nhất là ông Jimmy Carter. Tôi rất ngưỡng mộ những hoạt động của ông sau ngày tái ứng cử không thành. Ông quả là người tận tụy vì lý tưởng dân chủ, tự do, không màng danh lợi. Sau ông, cũng như trước ông, chưa có tổng thống Mỹ nào về hưu mà lại vẫn lăn lóc, miêt mài với số phận dân nghèo trên thế giới.

Nhỏ tuổi hơn là Đức Dalai Lama. Ông có nhiều bài diễn thuyết, nhiều sách rất hay. Cách ông ứng xử với Trung Quốc, kẻ xâm lăng Tây Tạng đang cố đồng hóa dân ông, khiến tôi phải suy nghĩ và cảm phục. Nhưng tôi chọn ông là thần tượng không phải bằng đầu óc. Ông hiền hoà, vui tính và để lại trong tôi một ấn tượng thật sâu nhưng khó tả. Giống như tình yêu, hay như bị ma ám, không giải thích được nhưng mổi lần nghĩ đến ông tôi lại mĩm cười. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng tiếng tăm như cồn, nhất là trong hàng trí thức Âu Mỹ, tư tưởng thì cũng giống như Dalai Lama, nhưng tôi lại không có cảm xúc đặt biệt gì về thầy. Chọn một trong hai, tôi chọn ông Tây Tạng.

Trẻ nhất và xinh nhất là bà Aung San Suu Kyi. Môt người phụ nữ quả cảm, tay không tấc sắt mà kiên trì chống lại môt tập đoàn quân phiệt. Giam chặt, giam lõng, họ vẫn không thể khuất phục được bà. Cả thế giới kính phục bà. Nhưng riêng tôi thì không biết nhiều, nghe nhiều về bà như về ông Mandela. Chỉ vì bà đẹp quá, một vẻ đẹp vừa thông minh, vừa dịu dàng, kín đáo, nên đàn ông như tôi rất ái mộ. Tôi phải đưa bà lên làm thần tượng của mình.

Hiện nay thì danh sách thần tượng của tôi chỉ có thế. Còn có ba nhân vật rất thú vị nữa. Hai vị tôi vẫn còn chần chờ. Người thứ ba thì tôi sẽ nghe theo thằng bạn mà cho là tạm thời chưa đủ tiêu chuẩn để cứu xét.

Người thứ nhất thì rất khó cho tôi. Ông chết lâu rồi. Bí ẩn, nghi vấn lịch sử còn nhiều rối rắm. Theo những người tin yêu ông cũng như theo một ít dữ kiện khách quan thì ông là người tận tụy hy sinh, vì dân vì nước không thua gì Nelson Mandela. Rất nhiều người khác lại cho ông là hiện thân của ác quỷ. Dù sự thật có thế nào đi nữa thì có hai vấn đề khiến ông khó có thể đứng cùng hàng với Mandela và Aung San Suu Kyi trong lịch sử nhân loại. Thứ nhất là ông chọn lầm đường. Đến đầu thâp niên 1960 thì người sáng suốt phải nhận ra là đã lầm đường. Thứ hai là hậu duệ tinh thần của ông quá tệ. Dù ý nguyện và ước mơ chân thật của ông có tốt như thế nào thì thực tế đã và đang rất phũ phàng.

Nhưng khi nói đến cá nhân thì tôi bao giờ cũng đặt tâm niệm và nhân cách lên hàng đầu. Vì vậy mà vẫn lưỡng lự, không biết đến bao giờ. Nhưng chắc chắn là ông không bị thiệt hại gì vì sự biếng nhác, kém trí của tôi. Đã có một thành phố lớn mang tên ông rồi. Ai căm ghét ông đến đâu, dù đúng hay sai, khi đến nơi này trên những chuyến bay quốc tế đều phải nghe, phải đọc mấy chữ Thành Phố Hồ Chí Minh.

Người thứ hai thì ngược lại, quá dễ dàng. Lý do duy nhất mà ông không, hay đúng ra là chưa, nằm trên danh sách thần tượng của tôi là vì ông mới xuất hiện. Từ khi cả thế giới biết đến ông, những việc ông làm, những điều ông nói đều khiến tôi hết sức ngưỡng mộ, tâm phục, khẩu phục. Ông chính là Đức Giáo Hoàng Francis, đương kim giáo chủ của Thiên Chúa Giáo La Mã. Trong hoàn cảnh này, trong truyền thống đó mà ông đã như thế thì không chừng trong hai mươi năm nữa ảnh hưởng tích cực của ông với nhân loại sẽ vượt qua tất cả những thần tượng khác của tôi (phải nói thêm là trừ Phật Thích Ca cho phải đạo, hè hè.)

Nhân vật bị loại là anh Barack Obama. Tôi rất thích suy nghĩ của anh, vẫn nghĩ anh là người rất có tâm hồn. Nhưng anh làm ăn hơi bết bát. Anh lại bị mất điểm vì tôi bắt đầu ngông nghênh nghĩ rằng tôi có cách làm hơn anh trong vài việc quan trọng. Thằng bạn tôi thì tin rằng anh đã theo tiền nhiều hơn là theo dân. Tôi phải đồng ý là để xem sau này anh Barack có được như bác Jimmy không rồi mới xét lại.

Danh sách thần tượng của tôi vắng bóng các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ. Không phải tôi thiếu cảm nhận hay rung động với họ. Như hầu hết mọi người, tôi say mê với sách truyện, thơ nhạc hay. Tôi nghĩ mấy ông tổ của cơ học lượng tử đã làm nên một tác phẩm vĩ đại hàng đầu của nhân loại sau nhiều tranh cải và thay đổi tư duy rất cơ bản. Ngay cả Albert Einstein, nhà bác học số một ai cũng biết, đến lúc chết hơn hai mươi năm sau khi quantum mechanics đã hình thành vẫn không chấp nhận cái tư duy mới với câu nói nổi tiếng “Thượng Đế không thảy hột xí ngầu.” Trí tuệ siêu đẳng như Einstein mà vẫn không chấp nhận cái tư duy cơ bản của khoa học hiện đại, cái mà chính ông đã góp phần xây dựng làm tôi không khỏi không liên tưởng đến Mandela và Võ Nguyên Giáp với những điểm thiếu sáng suốt của họ – Nhân vô thập toàn.

Thay đổi tư duy vật lý, thay đổi cuộc sống của nhân loại một cách sâu xa. Có thể nói không chút ngượng ngập hay châm biếm, cơ học lượng tử là đỉnh cao của trí tuệ con người. (Theo chủ quan của tôi thì tất cả những tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội hoạ, điêu khằc… đều chỉ được đứng ở hàng hai thôi. Đỉnh đầu đã bị chiếm rồi, hà hà.) Thế nhưng tất cả những sản phẩm của trí tuệ và tác giả của chúng đều không thể thay thế những người dấn thân, đứng mũi chịu sào, lăn lóc với dân bát nháo để cải thiện cuộc sống. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Người Việt lại đặt biệt cần phải cảnh giác với những sản phẩm tư tưởng chưa được thực tế thử thách. Nhiều người có tâm huyết hình như cũng đang “ra đi tìm đường cứu nước”. Bước ra từ trong bóng tối, dễ bị choáng ngợp bởi nhiều ánh đèn. Một bà Nga viết vài cuốn tiểu thuyết, một ông giáo sư kinh tế được vài giải thưởng với vài cuốn sách. Dù có hợp khẩu vị cũng đừng coi đó là kinh điển chính trị kinh tế. Chính trị và kinh tế đầy rẫy những lý thuyết hay giáo điều nửa đúng nửa sai. Ông này, bà kia luôn mồm tranh luận. Từ thời tổng thống Truman đến nay vẫn chưa tìm được nhà kinh tế học một tay nào có thể phán quyết chắc chắn để làm cố vấn cho hữu hiệu. Những cái gì xã hội tự do dân chủ chưa thử qua và chấp nhận ta đừng vội vã ôm vào dù nó nghe êm tai, hợp với cảm tính mình.

Một trăm năm trước, thành lập công đoàn, luật lao động bảo vệ người công nhân, đoàn kết chống tư bản bóc lột nghe hay lắm chứ. Trong lúc những nước có nền tảng dân chủ vững chắc thử nghiệm và chọn lọc, ông Hồ Chí Minh thấy Marx hay quá nên ôm nguyên trọn bộ kinh điển về khiến sau này đất nước hoà bình đã lâu mà vẫn tụt hậu, lại mắc vào cái ách độc tài. Ta đừng quên bài học đó. Có được một thể chế dân chủ rồi, ta tha hồ tranh cãi, thí nghiệm, và chọn lọc. Chưa có dân chủ thì vẫn còn lòng vòng trong bóng tối, lâu lâu lại chói mắt vì ánh đèn xanh đỏ bên ngoài.

Chuyện thần tượng tưởng chừng ngắn gọn nhưng lại cũng dài dòng.

 

Chanh Nguyen

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Noi chuyen than tuong,bai tren day co doan viet ve ong NELSON MANDELA nguoi dung len dau tranh va doi quyen binh dang cho nguoi da den o NAM PHI! va gan day da tung co nhieu bao chi da ton vinh ong ay nhu la mot lanh tu cua the gioi, mot nha cach mang hoac la huyen thoai cua the gioi! thuc te co dung khong? va ong NELSON MANDELA co that su la mot nguoi tai gioi va hoc cao hieu rong khong? va co phai la mot nha cach mang khong? hay la mot lanh tu cua the gioi khong? xin noi thang la khong va phai chap nhan su that khi noi nhu the! nen nho ong MANDELA khong phai la mot nhan vat co trinh do hoc van cao, khong han la mot nha cach mang dung nghia,ma don gian ong ay chi la mot nguoi dam box ( quyen anh) the thoi nhung ong ay can dam dung len tranh dau va bi tu day den may muoi nam, nhung khong vi the ma ta co the noi la mot huyen thoai cua the gioi! vi ong ay cha lam gi cho the gioi nay ma thuc te chi tranh dau cho nguoi da den ban xu the thoi va nhu the co the noi la huyen thoai cua nguoi da den o NAM PHI ma thoi! ngoai ra khi noi den lanh tu thi lai cang khong phai vi lam sao ma so sanh duoc voi cac lanh tu dung nghia cua the gioi nhu MAO TRACH DONG, HITLER, MUSSOLINI, LENINE, STALINE, WINTON CHURCHILL, EISENHOWER v.v da lam thay doi hang bao nhieu ty con nguoi tren the gioi nay va do moi la lanh tu dung nghia ! ta nen biet rang de thanh cong cho su tranh dau quyen binh dang o NAM PHI ong NELSON MANDELA da sao chep , hoc hoi va ap dung den thuyet ” bat bao dong ” cua nha sang lap va cung la nha cach mang MAHATMA GANHDI nguoi AN DO va sang lap ra thuyet “BAT BAO DONG” tung tranh dau dau tien cho nhan quyen va tu do cua con nguoi o AN DO va khap noi tren the gioi va thuc te ong MARTIN LUTHER KING mot nguoi MY da den cung tung hoc hoi, sao chep va ap dung den thuyet nay de thanh cong trong cuoc tranh dau doi quyen tu do va binh dang cho nguoi da den o HOA KY vao the ky 20.

Trả lời nicogez Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI