29.2 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hãy bắt đầu bằng cách mỉm cười lên, dù chẳng có lý do gì

*Photo: Kallol Barua

Tôi dẫn Seichi đi Suối Tiên. Đây là lần thứ hai anh bạn người Nhật này đến Việt Nam và lần này anh muốn đi Suối Tiên cho bằng được. Trong cuốn cẩm nang về du lịch Việt Nam có giới thiệu cái trò “câu cá sấu” mà mới nghe tên tôi đã chẳng lấy gì làm thú vị nhưng trong trí tưởng tượng Seichi thì có lẽ anh ta thích thú và mong đợi vô cùng.

Cực chẳng đã tôi đành dẫn anh ta đi, cùng với một cô bạn người Việt nữa. Cả tôi và cô bạn ấy đều đến Suối Tiên rất lâu trước đây rồi và các bạn biết đấy, những ai đã từng đến đây một lần thì hứa rằng lần sau có buồn chán cỡ nào cũng không thèm tới đây lần thứ hai. Nhưng lần này muốn thể hiện lòng hiếu khách và sự nhiệt tình của mình, chúng tôi tháp tùng Seichi nhân chuyến-sang-Việt-Nam-chỉ-để-câu-cá-sấu của anh ta.

Sáng sớm rời khỏi Gloria’s Jean sau một buổi gọi là warm-up cho thân mật hơn sau một thời gian dài chỉ liên lạc qua email và facebook, chúng tôi trèo lên xe buýt đi một mạch tới Suối Tiên. Suốt quãng đường anh ta ngồi ngâm cứu cái cuốn cẩm nang du lịch Việt Nam, lật đi lật lại trang viết về trò câu cá sấu đến nhàu nhĩ.

Tôi hỏi: Seichi, bên Nhật mày chưa bao giờ chơi trò này à?

– Không, không bao giờ. Đất nước tụi tao ít sông hồ, để nuôi cá với thủy sản thôi, không cho nuôi cá sấu đâu.

Và tôi nghĩ, đây hẳn là lý do mà anh ta phấn khích khi ở Việt Nam người ta không những nuôi mà còn có cả trò câu cá sấu nữa.

Đến Suối Tiên, chúng tôi dạo quanh một vòng, chơi một vài trò hấp dẫn. Seichi rất thích thú và cười luôn. Còn hai đứa con gái chúng tôi thất thểu theo sau, chụp hình tá lả nhưng tuyệt nhiên không cười tí nào (có lẽ chỉ cười đáp lại khi Seichi nhìn chúng tôi). Đến một nơi vừa cũ lại vừa chán thì hẳn nhiên bạn phải như thế thôi. Giờ ăn trưa cả ba vào “nhà hàng Suối Tiên” gọi cơm và các món ăn truyền thống Việt Nam như cá lóc kho tộ, canh chua, thịt sáo măng, cả đậu ve xào cũng được nhà hàng liệt vào danh sách “món ăn truyền thống”. Seichi tỉ mẩn chụp lại và hỏi chúng tôi tên của từng món ăn, ghi vô sổ tay du lịch. Nhìn Seichi phấn khích chúng tôi thấy rất thương và buồn cười. Nghĩ thấy rất giống cảnh mình đi du lịch qua mấy nước khác, chắc cũng thế thôi. Cái bình thường với người này nhưng lại là điều đặc biệt với người khác, biết sao giờ. Nhưng quan trọng là khi hai kẻ đó gặp nhau, thì một kẻ vui ơi là vui, còn một kẻ chán ơi là chán.

Ăn trưa, nghỉ ngơi xong. Chúng tôi mua vé vào hồ nuôi cá sấu. Lưới thép bao quanh bảo vệ nên chúng tôi chẳng sợ hãi gì cả, dù đây là lần đầu tiên tôi mua vé chơi trò này. Còn Seichi. Anh ta mắt chữ A mồm chữ O luôn miệng thán phục. Mấy con cá sấu nằm nghiêng nằm ngửa phơi mình dưới nắng, mấp mé làn nước mát trên bờ hồ.

Seichi mua ba bịch mồi câu, toàn là phổi bò cục nào cục nấy to ứ ự. Chắc đàn cá sấu hôm nay no rồi đây, tôi nghĩ bụng. Mấy chú quản trò móc mồi vào cần câu rồi làm mẫu quăng ra xa, giật lên giật xuống nhử đàn cá sấu. Mỗi lần có con nào nhảy lên đớp lấy thì nhanh tay giật lại, cứ thế mà hồi hộp ra phết. Seichi hào hứng cười rất to, rất sảng khoái. Nghe anh ta cười mà chúng tôi cũng phì cười. Anh ta đưa Ipad bảo chúng tôi quay lại cảnh anh ta câu cá sấu. Nước bắn tung tóe, đàn cá sấu nhảy lên nhảy xuống chực chờ. Còn Seichi luôn trong trạng thái cảnh giác, thỉnh thoảng giật bắn người vì cá đã đớp được mồi. Thế là anh ta cười híp cả mắt, dù bình thường thì trông mắt anh ta cũng đã híp lắm rồi. Trông anh ta rất khác với kiểu người Nhật trầm tĩnh mà chúng tôi tưởng tượng. Anh ta bây giờ cũng y như một con cá sấu đang nhảy lên nhảy xuống tung tăng.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy Suối Tiên vui vẻ và dễ thương đến thế. Chúng tôi cũng bật cười liên tục khi thấy cảnh Seichi chạy qua chạy lại quanh bờ hồ. Suốt từ sáng gặp mặt cho đến lúc này, mới thấy con người anh ta sảng khoái tột độ như vậy. Chúng tôi tự cười, tự cảm thấy vui dù cảnh câu cá sấu này rất đỗi bình thường.

Tự nhiên, tôi chợt nghĩ. Lúc tôi bắt đầu cất miệng cười, dù chẳng vì lý do gì cả, thì tự nhiên lòng tôi cũng dâng lên một cảm xúc vui vời vợi, khó tả. Suốt cả ngày lang thang trong Suối Tiên cùng Seichi, mặt đứa nào đứa nấy cũng nhễ nhãi mồ hôi, chân mỏi nhừ, ba lô tay xách nách mang trông nhếch nhác, thế nên chúng tôi cứ lấy cái đó ra làm lý do để mình không cười nổi. Miệng không cười lên được thì lòng cũng chẳng vui được.

Bỗng dưng vì một cái gì đó mà cười lên một cái, thấy lòng cũng vui lên, và muốn cười nữa lên, vui nữa lên. Cứ thế mà thấy đời cũng đẹp hơn. Cái Suối Tiên nhàm chán cũng thú vị hơn. Họ bảo “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đúng là không sai vào đâu được. Mình không tự tìm niềm vui thì cũng thấy cái Suối Tiên này nó chán ngắt, buồn tẻ, và mình cũng tự kỷ ám thị mà thểu não mãi thôi.

Mà khởi nguồn cũng là từ Seichi, sự hoan hỉ của anh ta làm lây sang tất cả mọi người. Có lẽ mình cũng nên sống như thế, luôn hoan hỉ luôn chờ mong, nếu không có thì hãy tìm cho mình một lý do gì đó để hoan hỉ chờ mong. Đem sự háo hức ấy đi khắp mọi nơi, thì những người xung quanh mình cũng sẽ cảm nhận được, cũng sẽ thay đổi một cách tích cực. Ta phải cười trước thì đời mới vui được. Hãy bắt đầu bằng cách mỉm cười lên, dù chẳng có lý do gì, và sau đó hãy nghĩ đến những lý do khiến mình mở miệng cười như thế, để không phải là một kẻ ngốc chứ. Thử xem nào.

 

Cỏ Dại

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI