19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư!

*Photo: Ukmechanic 

 

“Không thầy đố mày làm nên.”

Hẳn trong mỗi chúng ta đều có riêng cho mình những người Thầy. Họ không chỉ là những người chỉ dạy, hơn hết là những người truyền cho ta cảm hứng. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta cần những người có kinh nghiệm hơn mình để chỉ cho ta những hướng đi mà chính chúng ta đang mơ hồ…

Gần ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi muốn chia sẻ những gì mà GS Trường và hơn hết là chính là người Thầy mà tôi luôn kính trọng đã truyền lại cho tôi.

GS Phan Văn Trường, một người được nhà nước Pháp trao tặng Huân Chương Bắc Đẩu Bội Tinh, Cố vấn cao cấp của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, giảng viên danh dự Trường ĐH Kiến Trúc…  Một người đi hơn 80 nước trên thế giới, tham dự 30 cuộc thương thuyết lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Một người đã từng được gặp nhiều nguyên thủ quốc gia, những vua chúa hoàng tộc…Hơn hết, GS Trường chính là người thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện miễn phí với sinh viên Việt Nam chia sẽ những câu chuyện về cuộc sống, thành công và thất bại…

Riêng tôi thấy rất háo hức mỗi lần được gặp Thầy. Không chỉ đơn giản là những lời khuyên, những câu chuyện mà chính là động lực, sức mạnh mà Thầy truyền vào cho tôi… Mỗi lần được gặp Thầy, tôi cố gắng lắng nghe và ghi lại để thấu hiểu hết được những gì thầy truyền đạt.

Thứ nhất: Mỗi ngày tiến một tí!

Giới trẻ Việt Nam đang bị che lấp bởi một cái vung lớn ngay trên đầu, không thể thoát ra được… Và bốn bức tường chắn xung quanh là trình độ ngoại ngữ… Không tiếp xúc được với những nguồn tri thức quý báu của thế giới… Đơn giản, hầu như sách ở Việt Nam đều được dịch từ nước ngoài nên bị sai sót, nhiều nội dung còn trái ngược. Vậy nên việc học ngoại ngữ rất quan trọng, bạn có thể tiếp cận với những nguồn tri thức của các nước trên thế giới. Ngoài ra, việc học ngoại ngữ đơn giản nhưng không phải ai cũng có đủ quyết tâm để theo đuổi đến cùng. Vậy nên, mỗi ngày học tiến một tí, học thêm được một từ hay hai từ ngoại ngữ cũng là rất tốt so với việc không học… Mỗi ngày tiến một tí, tiến ở đây có thể về nhiều măt, chúng ta khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống, kể cả những lĩnh vực mà ta chưa hề biết tới.

Thứ hai: Đừng cố đeo mặt nạ!

Hầu như có những người, đến những năm 60 hay 70 tuổi rồi ngồi nghĩ lại thấy mình chưa làm được điều gì cả, chưa làm gì được cho cuộc đời. Vì đơn giản, trong suốt quá trình làm việc, họ chỉ đeo trên mình những chiếc mặt nạ. Suốt ngày đi làm với chiếc mặt nạ, giao tiếp với sếp lớn cũng với chiếc mặt nạ. Và đến khi họ làm sếp thì họ cũng đeo mặt nạ để giao tiếp với nhân viên. Vậy nên, hãy làm việc vì cuộc đời… Thay vì cứ mai đeo trên mình những chiếc mặt nạ, rồi đến một lúc nào đó, những chiếc mặt nạ đó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy mình chả làm được gì trong cuộc đời cả.

Thứ ba: Nghề nghiệp trái phải!

Chúng ta có những hai bàn tay, chúng ta có quyền lựa chọn những thứ mình thích. Tay phải của bạn, bạn hãy làm nghề nghiệp mà nó mang lại tiền bạc để nuôi sống bản thân  hằng ngày. Còn tay trái của bạn, bạn hãy làm công việc mà mình đam mê, kể cả việc đó không mang lại cho bạn nhiều tiền bạc. Vậy nên việc lựa chọn nghề nghiệp, mỗi người có thể chọn cho mình nhiều việc, nhưng ít nhất thì nên có việc tay trái và tay phải… Chả ai cấm được chúng ta lựa chọn nhiều việc cả, chủ yếu là bản thân ta có cản đảm để làm hay không mà thôi…

Thứ tư: Đừng vì sĩ diện!

Đa số nói chung thì trong chúng ta hãy còn tồn tại sĩ diện và chính điều đó giết chết chúng ta. Sĩ diện chả mang lại điều gì cả, chỉ mang lại cho ta sự đau khổ… Đừng vì sĩ diện mà đánh mất đi bản chất thật của bản thân mình, đừng vì sĩ diện mà bắt mình phải như thế này, như thế kia….

Thứ năm: Chủ động, tự quyết!

Trong gia đình, khi quyết định một việc gì đó chúng ta cần tham khảo ý kiến của bố mẹ, nhưng chúng ta phải chủ động trong mọi việc. Vì khi ta chủ động thì bản thân ta biết ta sẽ làm gì và phải làm gì. Điều đó sẽ giúp chúng ta tự chủ cho bản thân mình. Nói cách khác, việc bố mẹ áp đặt cho ta một tương lai hay là một dự định nào đó chính là ta đang sống một cuộc đời của bố mẹ ta chứ không phải do ta. Việc phản bác lại ý kiến bố mẹ nhiều khi được coi là bất hiếu, nhưng ở các nước phương Tây, họ coi trọng tự do cá nhân, nên việc con trái ý với bố mẹ là chuyện bình thường. Vậy nên nhiều khi chúng ta phải tự chủ động khi đó tự bản thân bố mẹ thấy ta chủ động nên sẽ chấp nhận những điều ta làm.

Thứ sáu: Vẹn toàn!

Người cầu toàn, người vẹn toàn chính là người không làm gì cả. Có nghĩa khi ta không làm gì cả thì lúc đó ta mới coi là vẹn toàn. Còn mỗi việc chúng ta nhúng tay vào thì việc đó sẽ không vẹn toàn. Vậy nên trên đời hầu như những việc ta làm đều không vẹn toàn, đừng lo lắng vì điều đó. Việc gì xảy ra thì ắt nó sẽ xảy ra, ta khó mà ngăn cản được. Đừng sợ những khiếm khuyến của bản thân, vì chúng ta không phải là thánh nhân, ai trong chúng ta đều có những khiếm khuyết, vậy nên đừng cố gắng trở thành người vẹn toàn, vì khi vẹn toàn là lúc ta chẳng làm gì cả.

Thứ bảy: Học tập là thái độ, không phải là hành động!

Không phải tất cả những điều chúng ta được dạy thì nó sẽ áp dụng vào trong lúc ta làm việc. Nhiều khi chúng ta chẳng áp dụng gì cả. Cuộc sống này, nhiều lúc những thằng dẽo miệng lại là thằng khôn. Vì đơn giản một người bình thường đi làm, mỗi ngày nhiều lắm cũng được một đến hai tiếng. Ngoài thời gian đó họ làm những việc không đâu vào đâu… họ lãng phí thời gian vào việc tán gẫu, nói chuyện, nhậu nhẹt. Vậy nên nhiều khi những điều chúng ta được học nó xa vời với thực tế… Đôi khi chỉ cần một cái miệng nói hay sẽ kiếm được tiền thay vì học ngày học đêm. Việc học nó mang tính chất thái độ, không cần biết anh học giỏi như thế nào, quan trọng là thái độ trong học tập anh như thế nào…

Thứ tám: Đạo đức!

Đạo đức là một điều gì đó mà bản thân ta thấy không trái với lương tâm của mình. Đạo đức không có nghĩa là ta đem tiền vào Chùa rồi cúng viếng này nọ rồi ta sẽ nhận lại được những điều ta mong muốn. Mà đạo đức chính là trong bản thân ta thấy rằng việc làm của chúng ta là đúng và không trái với lương tâm.

Thứ chín: Ba lần vĩ đại!

Chúng ta có ba lần vĩ đại trong đời… Vào lúc còn trẻ chúng ta hãy làm những điều mình thích, đừng sợ sai lầm. Và đến năm 40 tuổi ta nhìn lại sẽ thấy cuộc đời này thật là tuyệt vời. Đến 50 tuổi là đỉnh cao của cuộc đời một con người. Vậy nên chẳng ai cấm ta trở thành người vĩ đại, bản thân ta phải cho phép ta vĩ đại… Cơ hội làm người vĩ đại rất nhiều, bản thân ta phải đặt điểm tựa đúng chổ.

Cuối cùng, muốn bơi giỏi thì hãy nhìn con cá bơi sẽ tìm thấy rằng nó có điểm tựa…

Muốn làm giỏi thì hãy nhìn người khác làm… Hãy lựa chọn cho mình một điểm tựa từ đó ta sẽ vững vàng trong mọi công việc cũng như cuộc sống.

Đừng theo đuổi tiền bạc, hãy biến tiền bạc thành nô lệ của ta… Nếu ta muốn giàu có thứ gì thì hãy cho đi thứ đó… Cho đi tiền bạc thì sẽ nhận lại tiền bạc, cho đi tình cảm thì nhận lại tình cảm.

Có những người 30 tuổi bắt đầu mới khởi nghiệp bán báo mà trở thành người giàu nhất Việt Nam… Có những nhà khoa học bắt đầu 19 tuổi còn chăn trâu mà trở thành nhà khoa học khiến nhiều người phải kính nể… Chúng ta những con người có điều kiện hơn họ rất nhiều nên phải cố gắng, mỗi ngày tiến một tí, chủ động và có đạo đức.

Và cuối cùng nên nhớ “Hạnh phúc là hoa nở trên đường đi chứ không phải hoa ở cuối con đường.”

 

Quang Nam

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI