17 C
Da Lat
Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cho ngày giữ lửa…

*Photo: Snowfall-lullaby

 

Vào một buổi tối, khuya lắm, có một bạn vào chat ở facebook. Nói chào cô, em biết có thể nhờ cô giúp một chuyện được không ạ?

Nói được. Em nói đi.

Bạn nói rằng thưa cô, em là sinh viên khóa X, khoa Y, cô đứng lớp em hồi tháng trước. Em có việc này khó quá nhưng không biết hỏi ai, nên mạo muội nhờ cô. Em dự cuộc thi Z, vào đến vòng bán kết. Em được giao đề tài có 5 chữ. Em không biết phải triển khai đề tài thế nào, cô giúp em với cô!

Mình nói okie. Rồi triển khai đề tài giúp bạn.

Cuộc chat hết đâu đó gần một tiếng. Từ đó,mình có ngó nghiêng facebook của bạn, để biết tình hình ra sao. Rồi hình như bạn có giải, ở chung kết. Không nghe bạn nói gì nhưng thật lòng thấy vui lây.

Rồi thấy bạn có nhiều cơ hội, xuất hiện ở nhiều nơi. Như một camera vô hình, mình luôn ghi nhớ những thông tin về bạn mỗi khi đọc lướt qua trên hàng trăm thông tin ở facebook.

Rồi bạn gặp sự cố. Lớn. Phải nói là quá lớn, sai lầm gần như không tha thứ được trong nghề. Mình lo vô cùng. Bạn quá non nớt để hứng chịu. Theo dõi từng comment, từng stt, từng bài báo hàng ngày nói về sự cố của bạn. Thấy nhẹ hơn một chút khi có ai đó nói rằng, bạn ấy trẻ, xứng đáng cho bạn ấy một cơ hội. Rồi nhiều stt như thế nữa. Mình vui khấp khởi. Tới khi thấy bạn, ở facebook, nói rằng đã thăng bằng trở lại, mới thở phào nhẹ nhõm.

Mình mới tham dự ở lớp bạn ấy có vài lần thôi! Chưa bao giờ thực sự là thầy!

Từ đó, mình thấy, những người thầy, có thể là những người nặng lòng nhì thế giới, chỉ sau mỗi bố mẹ. Từng lớp học trò qua đi,họ vẫn dõi theo, để thấy vui cái vui của học trò mình, buồn lo những va vấp, và sẵn sàng dang tay khi cần thiết. Bao nhiêu lớp người là bấy nhiêu nỗi lo toan!

Nhưng với mình, đứng ở bục giảng, có hai loại nghề khác nhau: một là thầy, hai là speaker. Đôi khi họ có cùng một danh xưng của xã hội, nhưng bản chất hoàn toàn khác. Thầy nói về con đường, speaker nói về kỹ năng, kỹ xảo. Thầy nói về nhân cách, speaker nói về nguyên tắc, lề lối. Thầy nói về cái được khi gặp thất bại, speaker nói về cách vượt qua khủng hoảng. Thầy nói về sự thận trọng trong tư duy, speaker nói về bức xúc, bất cập, nhố nhăng. Rất nhiều speaker tự nhận là thầy, trong khi những người thầy thường xưng là “tôi”. Vì họ biết, con đường làm thầy là con đường học hỏi suốt đời, một ngày còn làm thầy là một ngày học hỏi, từ chính những người mà mình đang dạy họ.

Tôi yêu người thầy, một phó giáo sư, là nữ. Cô nấu cơm với cá bống kho tiêu. Nói bữa nay cô nấu cá bống đãi em, vì cô còn nhớ, hồi sinh viên em thích ăn cá bống trứng kho tiêu. Sau này, cá bống trứng kho tiêu là món mình nấu ngon nhứt hạng. Mỗi lần ăn là nhớ cô quay quắt. Cô có rau nhà trồng, có lá hẹ nhỏ xíu trồng trong một chậu đất. Về bếp nhà cô như ở bếp nhà mẹ, thích ăn gì ăn, thích ngủ thì ra salon gỗ mà ngủ, mát vô cùng. Tôi yêu người thầy, mà khi nói về nghề, mắt cô sáng lên, đôi khi hai cô trò cười lăn ra, chảy trào nước mắt. Khi nói về đề tài đang theo đuổi, cô có thể nói cả ngày trời không dừng. Tôi yêu người thầy, mà khi tôi là đứa sinh viên quê mùa bình dị, cho đến khi là chủ một công ty có ba bốn chục nhân viên, cho đến khi trắng tay bơ vơ ôm con nhỏ hỏn, đều đối xử với tôi trước sau như một. Tôi thương người thầy, đi đến hơn hai phần ba cuộc đời, đau đáu những ấp ủ không ngừng nghỉ. Tôi kính trọng người thầy, mà cả xã hội thay đổi rần rật đùng đùng, cô, trước sau vẫn vậy.

Tôi yêu thương quý mến người thầy, cô giáo của con trai tôi, người dắt con tôi đi ăn, đùa giỡn, dạy dỗ cháu mỗi tối đến tận 9h, đợi mẹ cháu về rước vì có việc không thể bỏ. Tôi cảm kích người thầy, cô giáo của con trai tôi, người la mắng cháu gay gắt rồi ôm vai cháu động viên khích lệ. Tôi không chờ ngày nhà giáo để tặng gì cho cô. Với tôi, 365 ngày, cô là thầy giáo của chính tôi!

Tôi không dám nói một điều gì về nền giáo dục Việt. Vì giáo dục và giải trí là hai thứ sản phẩm rõ rệt nhất của xã hội. Muốn vực dậy một xã hội cũng bắt đầu từ giáo dục và giải trí, muốn nhu nhược hóa một dân tộc, cũng phải bắt đầu bằng giáo dục và giải trí.

Người ta tranh cãi và nói với nhau rất nhiều về kính thưa các thể loại phương pháp giáo dục. Nhưng với tôi, phương pháp giáo dục lớn nhất, là giữ lửa cho chính bản thân mình. Một người thầy không có lửa, sẽ chỉ là speaker. Giỏi cỡ nào cũng chỉ là speaker mà thôi.

Gửi đến người thầy yêu kính nhất của tôi, lời nhớ thương thầm lặng. Gửi đến người thầy đáng quý của con trai tôi, lời ngưỡng mộ sâu sắc.

Chúc mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam!

 

Thơm Điệu Đà

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,550Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI