19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

10 điều các nhà tiên phong trẻ hay quên

 *Photo: ewitsoe

 

Các nhà tiên phong trẻ được nhắc đến ở đây là những bạn trẻ đi đầu trong các phong trào về môi trường, cộng đồng, xã hội, từ thiện, tình nguyện hoặc các dự án khởi nghiệp. Năng động, nhiệt huyết, sáng tạo và chân thành là những gì tuyệt vời mà các bạn có, song, có những thứ mà các bạn vô tình quên mất, ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng, kết quả và hình ảnh mà các bạn đã gầy dựng…

 

1. Chỉ nghĩ đến những gì các bạn có.

Những sự kiện đầy ý nghĩa của các bạn luôn được truyền đạt đến những đối tượng hưởng lợi bằng cách-nghĩ-của-bạn, điều này vô tình là cây cầu độc mộc ngăn cách hai phía. Mà bạn biết rồi đấy, cầu độc mộc thì chỉ có một người đi thôi. Một chiến dịch tốt là một chiến dịch gần gũi với mọi người (hoặc đối tượng các bạn đang hướng đến) mà vẫn truyền tải đầy đủ thông điệp cốt lõi từ những nhà tổ chức. Bạn đang hô hào bảo vệ môi trường nhưng không nói đến nó tác động đến người ta ra sao, bạn nỗ lực chống biến đổi khí hậu nhưng lại nói về ảnh hưởng cúa nó đến phi-lip-pin, trong khi sự hiện diện của nó đang đến mỗi nhà, mỗi người ở Việt Nam hay nói cách khác là cá nhân người ta thì không được dẫn chứng.(Tôi có thể ủng hộ 10 triệu cho nạn nhân bão HaiYan thay vì những nỗ lực để thay đổi tương- lai- không- biết- liệu- có- xảy- ra của bạn) Liệu bạn có sai? Không sai, nhưng chỉ là bạn đang đi một con đường vòng để tiếp cận tâm trí của đối tượng.

 

2. Điều gì khiến người ta thay đổi.

Mỗi chiến dịch chúng ta đặt ra đều với mục đích thay đổi điều gì đó trở nên tốt đẹp hơn trong xã hội bạn đang sống. Tôi từng rất hạnh phúc khi chứng kiến sự khắc khe với chính mình của các bạn tình nguyện viên trong các chương trình mình đã từng tham gia; các bạn không dùng túi ni-lông khi đi siêu thị, các bạn ghét ống hút, các bạn luôn tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20s, các bạn tỏ ra khó chịu khi thấy ai đó có hành vi không đúng. Đã bao giờ các bạn hỏi: Cái gì làm tôi thay đổi? Cái gì làm chúng ta thay đổi? Vậy, cái gì sẽ làm họ thay đổi? “Hiểu và hành động” là một slogan hay nhất của một tập huấn TOT mà tôi từng tham gia. Tôi nhận ra rằng thông điệp truyền đi của rất nhiều dự án hiện nay đang rất to tát, song, thiếu thực tế và thiếu lý giải. Thiếu thực tế đã bàn ở trên, còn thiếu lý giải là về vấn đề thông tin, các bạn chưa làm cho người ta “hiểu”, không lý nào người ta chịu “hành động”. Câu hỏi vì sao sẽ không đặt ra trong đầu các bạn, vì các bạn dĩ nhiên sẽ hiểu rất nhiều về thứ mình đang làm, về bối cảnh và thực trạng để cấu thành nên dự án của các bạn, nhưng người tiếp nhận không biết điều đó.

3. Quên mất bạn cần khác biệt.

Thường thì các nhà tiên phong làm một chương trình dựa trên mô-tuýp đã được học hỏi ở đâu đó mà bạn thấy rất thành công. Song, là một bản sao thì không bao giờ hoàn hảo. Có bao giờ bạn đứng hình khi gặp một vấn đề gì đó mà không biết người ta đã xử lý nó thế nào chưa? Ở đây tôi muốn nhắc đến vấn đề thương hiệu, nếu có dịp đọc cuốn sách “Khác biệt hay là chết” bạn sẽ nhận ra giá trị của sự khác biệt. Không hẳn Trung Quốc là nước chỉ làm toàn hàng nhái, nhưng bạn có tin, nếu Trung Quốc ra một sản phẩm công nghệ rất mới, và sau đó Mỹ làm theo một sản phẩm tương tự, hai sản phẩm cùng tung ra một lúc, bạn sẽ nghĩ ai nhái ai? Vấn đề không khác biệt sẽ biến bạn trở nên rất… có tiếng trong việc mãi đi sau, dù bạn là người tiên phong…

4. Thành công: 80% thuộc về kế hoạch

Có một sếp giỏi đã nói với tôi như vậy, và điều này dường như luôn đúng. Người ta không tới một hội thảo vì cách tổ chức của bạn rất tốt, không rầm rộ PR cho chiến dịch của bạn nếu nó luôn diễn ra đúng giờ, không đến tham gia chật ních khi nó tổ chức ở tòa nhà cao nhất thành phố…. Họ chỉ nhắc đến khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời và một sự chu đáo để mọi thứ ý tưởng đó trở thành sự thật. Bạn sẽ không quản lý được tất cả nếu không có một tờ giấy và một cây bút ghi chú, và chắc chắn sẽ không có thời gian ghi chú nếu bạn đang làm một buổi truyền hình trực tiếp…. vậy kế hoạch hoàn hảo là điều cần nhất.

Các bạn thường nghĩ kế hoạch là một slide hoặc một văn bản đề đi xin con dấu, mời hợp tác, xin tài trợ… Thường thì đó là bề nổi, thứ hay nhất bạn nên đưa ra cho người khác xem, để tác động sự quyết định có bảo trợ, đầu tư, hợp tác hay trở thành TNV của bạn hay không. Song, kế hoạch là những tờ giấy nhằng nhịt brainstorm, là những timeline cụ thể, những tranh luận của toàn nhóm hay trong chính bản thân bạn, là những thứ bạn chuẩn bị cho thành công, cho đổ vỡ, là những điều bạn bất ngờ dừng xe lại giữa thành phố và ghi chú vào tờ note của chương trình…

Và bí quyết là: đừng bao giờ cho mọi người biết hết bạn có tất cả thứ gì, bạn phải để cho người ta muốn biết bạn còn có những gì….

5. Tài sản lớn nhất luôn là Tình nguyện viên.

Bạn sẽ không có gì cả, trước và lẫn sau một chiến dịch, bạn có thể sẽ trưởng thành hơn, sẽ tự tin hơn, sẽ có những ý tưởng mới hơn; và dường như bạn luôn dễ quên những người bạn đồng hành – tài sản duy nhất bạn có.

Sống chết, cam chịu hay thành công, tỏa sáng, đều nhờ những con người cùng sát cánh bên những nhà tiên phong mà không đòi hỏi gì cả. Và nếu suy cho cùng, bạn không mang lại cho họ được điều gì, những thứ họ có, có chăng chỉ là những gì họ tự cóp nhặt được, nếu không là ở chỗ này thì chỗ khác. Vậy nên chúng ta gọi họ bằng cái tên hết sức khả kính và tán dương “Tình nguyện viên”.

Khi đi ra xã hội, các bạn thường khoe rằng tôi là TNV của chương trình A,B,C. Không có gì quý giá bằng một thứ có rất nhiều người đang sở hữu. Và dĩ nhiên, ngược lại, không có một chiến dịch nào đơn phương độc mã thành công dù có rất nhiều tiền, không có một chiến dịch nào trở nên vô nghĩa khi nó sở hữu một nguồn nhân lực đầy nhiệt huyết cống hiến và sáng tạo như các cá nhân được xưng danh “Tình nguyện viên”.

6. Cái tôi là cái phải giữ, bạn chỉ nên vứt bỏ sự bảo thủ.

Nói đến vấn đề cá nhân, nhiều bạn quan niệm lắng nghe mọi người và tiếp thu ý kiến là kim chỉ nam cho mọi thứ trong hoạt động xã hội. Điều này chỉ tương đối, song, cái tôi, cái bản chất con người bạn, cái bạn tin là đúng, điều trái tim mách bảo bạn phải làm, nên làm vẫn là một luận điểm mà bạn phải tích cực bảo vệ. Chưa nói đến vấn đề đúng sai, nhưng nếu tranh luận về một ý kiến nào đó mà bạn rất tích cực bảo vệ ý kiến của mình, mọi người sẽ rất thích được tranh luận cùng bạn. Một điều tuyệt hơn nữa là, nếu bạn sai, góc nhìn của bạn sẽ rất sâu sắc và đa chiều. Khi là một nhà tiên phong, điều duy nhất phân biệt được bạn và một người khác, đó là giá trị “cái tôi” của bạn.

Ở đây, tuyệt đối các bạn không nên nhầm lẫn giữa cái tôi và sự bảo thủ. Sự bảo thủ cần phải bỏ, hiển nhiên rồi, nhưng cái tôi là cái giá trị của chính bạn thì cần phải giữ, sống chết phải giữ. Nhiều người dùng từ cái tôi để minh họa cho sự bảo thủ, thì bây giờ là lúc để nên có góc nhìn rõ ràng hơn về giá trị bản thân, quan điểm cá nhân (cái tôi) và sự bất chấp để giữ quan điểm (sự bảo thủ).

7. Duy trì một mối quan hệ tốt nghĩa là bạn vẫn đang làm cái gì đó cho người ta.

“Alo, sắp tới em có một chương trình,em cần cái này …và cái kia …., anh giúp em cái này….cái kia…”

Bạn có bao giờ làm như thế? Nói đùa, chứ làm thế có gì sai đâu. Chỉ là bạn đang xin xỏ, nhờ vả, và tuyệt nhiên đừng nhầm lẫn giữa việc bạn đang hợp tác hay duy trì quan hệ xã hội. Thật khó khăn để từ chối bạn nhưng cũng thật khó chịu để giúp bạn, nếu có nhận lời giúp bạn, người đó cũng sẽ đặt ra câu hỏi bâng quơ kiểu như: “Tự nhiên giúp nó nhỉ?” Sao bạn không thử gọi một cuộc gọi cho người đã giúp mình hỏi xem họ đang làm gì thú vì và bày tỏ rằng mình sẵn sàng giúp họ? Hoặc follow trên trang cá nhân của họ để tìm xem họ cần gì và bạn nghĩ mình giúp được. Chắc rằng sau này họ sẽ chủ động gọi cho bạn để giúp thứ bạn cần chứ không cần đợi cuộc gọi từ bạn nữa.

 

8. Chả ai sống mà không cần tiền.

Một vấn đề tế nhị mà các nhà làm xã hội vô hình chung nhận thức rằng: làm xã hội thì phải từ thiện, miễn phí, phi lợi nhuận. Các bạn quên mất rằng các bạn được quyền tạo lợi nhuận từ các hoạt động hợp pháp và tích cực để và đồng thời kết hợp xây dựng giá trị cho sự kiện các bạn đang làm. Đồng thời, các bạn hoàn toàn nên đề xuất chi phí nhân sự khi mời tài trợ. Bạn không làm không công cho ai, và cũng không ai muốn bạn làm không công trong khi đó họ không quản lý được rủi ro và trách nhiệm đem lại của bạn. Hãy dùng tất cả những bí quyết trên để minh chứng cho việc vì sao chi trả chi phí nhân sự là hợp lý. Điều này khích lệ tinh thần của bạn và toàn nhóm, cũng như bạn ý thức được giá trị và quyền lợi, trách nhiệm của mình. Không chỉ ích cho xã hội mà còn có ích một cách trực tiếp cho bạn.

Lưu ý: không dùng từ “Gây Quỹ” khi tạo lợi nhuận hợp pháp – Tìm hiểu thêm về luật nhé

 

9. Không biết tí gì về luật.

Đây là điều chết người mà khi mãi mê tìm hiểu các kiến thức liên quan đến chiến dịch và lĩnh vực hoạt động của bạn, bạn quên mất phải bổ sung. Gợi ý rằng bạn nên tham khảo người đi trước cũng như có một đơn vị bảo trợ có uy tín cố vấn, bạn sẽ tránh khá nhiều rủi ro khi hoạt động. Ngoài ra, việc hiểu luật cũng giúp bạn tự tin hơn khi làm việc với địa phương và soạn thảo các văn bản hành chính.

10. Quên kế hoạch B.

Một điều mà dường như 99% chúng ta quên làm, mặc dù ai cũng biết là kế hoạch B. Nếu ABC thì XYZ, như vậy thì UTV…. là một công thức dự trù đơn giản mà các bạn cần liệt kê ra hàng loạt khi chuẩn bị cho một sự kiện, chiến dịch. điều này có vẻ như nằm trong mục “Kế hoạch” nhưng là thứ luôn thiếu trong kế hoạch nên được đưa ra một mục riêng.

Trời mà mưa thì sẽ chuyển toàn bộ khán giả vào hội trường, vậy thì phải chuẩn bị nhân lực di chuyển âm thanh, ánh sáng và công tác bảo vệ trật tự an ninh, đồng thời thông báo hướng dẫn tránh để kẻ xấu lợi dụng…..

Mỗi thứ bạn liệt kê ra sẽ tránh cho bạn bị động trước những tình huống “khóc không thành tiếng” như thế. Bạn sẽ không đủ khả năng để tư duy một mạch ra những thứ bạn đã giả định, chi bằng có một bí kíp cho riêng mình.

Bạn tin không? Nếu nhà tài trợ vô tình cầm đọc tờ giấy viết về kế hoạch B của bạn, họ sẽ tin tưởng bạn hơn cả một người đã từng có kinh nghiệm tổ chức một sự kiện đó vài ba lần mà chỉ cho họ thấy bản đề xuất mời tài trợ….

Tất cả những thứ trên đều là những kinh nghiệm xương máu, chả phải thần thành gì mà không mắc sai lầm hay quên những điều dù là cơ bản cả. Đơn giản là luôn tâm niệm lần sau tốt hơn lần trước. Không có hy sinh thì không có chiến thắng. Hy vọng, những bí quyết nho nhỏ trên là cả một kho kinh nghiệm mà bạn chỉ mất 5 phút để trải nghiệm nó.
 

 Áo Hồng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI