18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những người đàn ông lam lũ nơi chợ búa

Dự định ngày mai là đi chợ. Đi chợ và chụp hết đàn ông ở chợ. Chỉ bằng máy điện thoại thôi. Nhưng như vậy sẽ là quá mĩ miều. Nhất là máy lại có 12 phần mềm photoshop vây quanh. Đáng ra chụp họ phải là phim đen trắng, tráng rửa như ngày xưa được học ở trường. Thì thụt trong buồng tối đến khi cầm lên ve vuốt những chân dung sần sùi hoặc phong trần, những mảng sáng tối rồi thì thầm: ánh sáng ven đẹp quá, tiền cảnh phiêu thế v..v. Trong đầu tôi giờ cứ mơ màng như thế vì tôi mê họ quá. Vì họ mà tôi đi chợ. Nhà tôi thường đi siêu thị vì xung quanh nhà cũng 3 siêu thị lớn chưa kể các cửa hàng tiện dụng. Tôi đơn độc trong việc này. Không phản đối nhưng không hào hứng và dứt điểm không đi cùng dù của ngon vật lạ đa phần tôi khuân về cho gia đình là ở chợ. Tôi khuân kìn kìn từ cà pháo về ngâm xổi, lê hương, mận Hà Nội, bồ quân, bánh cuốn, giò chả Bắc, chuối chiên, cá bống tươi, đọt lang vườn, càng cua, rau má, bánh rán ngào đường, đậu nành nóng hổi… Tôi nợ được tất cả các hàng và được mời nợ. Đôi khi tôi từ chối bằng cách nói hết tiền thì họ cũng cứ nhét vào tay. Tôi vứt đồ ở bất cứ hàng nào. Tha thẩn xin rau, xin mùi, xin ớt như một thứ khoái cảm khi mua bán xong xuôi. Rồi sục vào đủ các hàng xanh đỏ chọn chọn lựa lựa về chỉ đợi dịp là trét vào bất cứ tay ai khi đến nhà. Hầu như tôi không mê gì ngoài mê chợ và đàn ông ở chợ. Họ cũng mê tôi. Dĩ nhiên theo nghĩa mê mến, mến mê. Thấy không đi chợ là đếm ngày. Mà tôi nào dịu dàng gì. Lúc nào cũng tạo ra vẻ chảnh lỏn, hạch sách. Nhưng mê mà, nhìn là biết ngay…

Ở chợ có không nhiều đàn ông đâu. Một ông già Nam Định bán rau, một anh phụ vợ xay chặt, lọc thịt, một em bán sầu riêng, một anh bán cá tươi, một lão già bán sản vật miền Tây bên cạnh bà vợ bán hành tỏi, tính xa thêm thì có anh sửa đồ gốc Bắc. Tôi dan díu cả. Ông già Nam Định có lần ra giêng cứ ở lì quê lo hội hè, giỗ chạp. Em trai con ông ấy bán. Đẹp trai ngời ngời mà tôi không có thắm như với ông già. Tôi hỏi liên tục. Em ấy cũng nhiệt tình vồn vã với tôi như quen thân nhưng tôi ít mua hẳn. Ông già đó đông con lắm. Ông đứng bán và tổ hợp gia đình hậu phương đứng sau cung cấp. Ví như con cả làm đậu nành, đậu phụ. Con thứ làm bánh rán, bánh cuốn thì nhập của người làng, bà vợ nhập rau. Hầu như rau Bắc như bắp cải, cà chua, bầu, mướp hay cua, thì là ông đều có cả. Ông là người hay ép tôi mua, ví như đậu nành nếu không mua ông nói “đang đẹp dở lại ngưng sao được”, thế là tôi cun cút để ông dúi vào tay dù mặt mũi chằm vằm ra vẻ bực bội. Ông ấy lập tức nhét thêm cho một bịch nữa. Tôi tươi hẳn. Anh lọc thịt thì khá chiều tôi. Ở đó vòi nước khá tươm nên anh ấy cố gắng cần mẫn rửa thịt cho tôi rất kỹ khi tôi yêu cầu xay thịt. Anh bán cá tươi lẻo mép. Cá của anh cũng toàn cá lạ lạ, hay hay, đồng quê như anh. Em bán sầu riêng tôi ít mua. Chủ yếu mua măng miếc bên cạnh thấy em dòm tôi lâu thành quen. Nhưng em vẫn là gương mặt của chợ mà tôi mê. Em bán sầu riêng mà tươi phơi phới, áo chim cò bông bụp ì xèo lại còn hay ngắm gái. Có vẻ sầu chung dữ dội. Lão bán sản vật miền Tây thì tôi ưa mua ngêu, mua ổi xá lị, mua bơ. Đồ tươi ngon mà bán rẻ nữa. Bà vợ bên cạnh nhìn cũng giòn tươi mát mắt nữa.

Tôi hay giao lưu với anh sửa đồ nhất. Anh đó gốc Hải Dương. Có vợ cũng làm nghề sửa đồ chợ khác. Con gái được hơn tuổi mới đi gửi trẻ đau ốm hoài. Tôi hay hối anh sửa đồ lấy gấp cho đến khi đi đâu đó quên mất làm anh hóng cổ chờ. Nhưng lần sau tôi lại đe dọa để anh sửa nhanh. Tôi bịa tôi sắp đi Hà Nội, miền Tây cần mặc cái này cái nọ. Anh nhìn mấy thứ cầu kỳ của tôi cố tìm cách sửa sao cho hợp lý không mất dáng đến nỗi vầng trán gầy gò nhăn lên thành rãnh, thương lắm, thương lắm luôn.

Nhưng tôi mê các chú, các lão, các anh, các em ở chợ bởi thay vì ăn ở không nhậu xỉn quắc cần câu quát vợ bợp con thì họ cần mẫn phụ vợ hoặc đứng mũi chịu sào ngay ở chợ, ngay ở nơi đáng ra chỉ là của phụ nữ. Họ chịu làm lụng, chắt chiu, chịu để bàn tay lấm lem, hôi hám lên quẹt mồ hôi cho vợ hoặc xúc ăn vội một món hổ lốn cho kịp bán hàng. Cách họ đối xử với dưa hành thịt cá nâng niu, với đường kim mũi chỉ thẳng hàng. Cách họ chọn kiếm miếng ăn cho gia đình gần gũi, thấu hiểu, thân thương chi lạ… Đàn ông mà lăn lộn ở chợ là đàn ông dám bảo vệ gia đình của mình từ miếng ăn trở đi. Họ không nề hà rau củ quả thì họ cũng không nề hà chia sẻ bỉm, tã, súc bình sữa, giặt quần áo. Có thể quan niệm này quá cực đoan nhưng đàn ông Việt Nam thời hiện đại đã tự cho mình quá nhiều đặc ân được lười biếng, được từ chối chia sẻ, được xa rời chợ búa… Từ chối luôn việc hiểu người phụ nữ cùng họ chung lưng đấu cật. Họ chỉ mê lên vũ trụ, lên tàu ra khơi, lên ghế quyền cao chức trọng, lên giường chiếm thế thượng phong, lên bar ngắm gái nhà người ta mà quên mất còn một góc chợ, góc bếp thân thương để có thể chia sẻ, có thể kiếm tiền, có thể tìm niềm vui cho cuộc đời mình, cho gia đình mình, cho xã hội.

Đàn ông ở chợ, chuyện còn dài, kể còn nhiều, ngẫm còn lắm nhưng cần gì nghĩ ngợi nhỉ. Chỉ ngắm họ thôi là thấy mọi yêu mến này còn tồn tại quanh đây, gần lắm, gần lắm luôn…

 

 

Dương Nữ Khánh Thương

Photo: Nguyễn Bảo Trí

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

Trả lời Minh Bui Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI