19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Giọt nước mắt đà điểu

  • Ngọc Phương Nam, Jules Vernes (Bảo Chân dịch, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn)
  • The Song of Sparrows (2008), đạo diễn: Majid Majidi

Nếu để ý kỹ, người ta sẽ nhận thấy văn học và điện ảnh có những hình ảnh biểu tượng tương đồng đến kỳ lạ. Giữa một cuốn sách và bộ phim đôi khi chẳng có điểm gì chung: hai thời kỳ riêng biệt, hai trường phái xa xăm, hai giọng kể trái tông đến bực bội; thế nhưng, một biểu tượng chung có thể đóng vai trò gắn kết và tạo nên niềm rung động cộng hưởng.

 

Ai đã từng xem TheSong of Sparrows (2008) của đạo diễn người Iran Majid Majidi, hẳn không thể quên gương mặt “đứng hình” của lũ trẻ con khi nhìn thấy bầy cá vàng bị hất tung ra khỏi cái chậu thủng, khiến chúng phải gạt bầy cá xuống mương để những con cá được sống. Còn cơn quặn thắt ruột gan nào lớn hơn việc nhìn thấy dòng nước mắt tắc nghẹn của trẻ con? Giọt nước mắt chua xót ấy khiến người lớn không khỏi ngậm ngùi, cay đắng trước những bi kịch lớn lao hơn thế.

 

Cũng lấy nước mắt làm phương tiện “tháo nút”, ở Ngọc Phương Nam (Bảo Chân dịch, Nhã Nam& Nhà xuất bản Hội nhà văn), Jules Vernes mô tả hai giọt nước mắt của nàng Alice còn “quý hơn mọi viên kim cương trên thế giới” (tr. 263), khiến nhà nghiên cứu trẻ mộng mơ Cyprien quên hết mọi nỗi phiền muộn.

 

Sự quyến rũ của tính tương đồng không dừng lại ở đó. Nếu như biểu tượng nước mắt mang đầy tính ước lệ, còn có một hình ảnh “chung chạ” khác giữa hai tác phẩm – trần trụi hơn, hiện thực hơn và cũng quái đản hơn: con đà điểu.

 

Người cha trong phim của Majid Majidi làm công cho một trang trại nuôi đà điểu. Khi chúng lạc bầy, ông bị buộc thôi việc, phải lái xe ôm nuôi sống gia đình và để có đủ tiền mua nút bấc trợ thính cho cô con gái bị điếc sâu sắp bước vào kỳ thi quan trọng. Trong ảo ảnh đan xen giữa giấc mơ và hiện thực, ông bắt gặp con đà điểu đã thất lạc. Ông hóa trang thành con vật đồng loại, tiến đến gần ve vãn nó nhưng chỉ tìm thấy một quả trứng vỡ. Quả trứng vỡ hay giấc mơ của cha con ông tan biến? Người ta nói “thấp cổ bé họng”, nhưng con đà điểu cao cổ kia nào có được tự do cất lên tiếng nói?

 

Trong bối cảnh khác, ở không gian châu Phi nhuộm màu cổ điển của Ngọc phương Nam, con đà điểu biểu trưng cho nỗ lực khai phá và vượt qua những giới hạn của con người trước tự nhiên: “không có loài nào dai sức hơn cũng như nhanh nhẹn hơn nó” (tr. 162). Ấy là lúc Cyprien và ba đối thủ tinh ranh phải băng qua sa mạc và rừng thẳm để tìm kiếm viên kim cương bị đánh cắp.

 

Bằng một tình tiết bất ngờ (và nực cười nữa!), chính con đà điểu cưng Dada của tiểu thư Alice đã giải tỏa những mắc míu của câu chuyện. Dada xuất hiện đường đột như một con vật cảm tử, soi rọi mối xung khắc giữa của cải và tình riêng, mối mâu thuẫn giữa người giàu và kẻ nghèo, tương phản giữa viên kim cương chói lọi và cảnh sống bần cùng, tăm tối của những người thợ mỏ giữa châu Phi hoang sơ cùng mơ ước đổi đời của họ.

 

Jules Verne có một ám ảnh không nguôi với độ sâu. Ông từng miêu tả tận cùng khe thẳm kỳ vĩ của đại dương trong Hai vạn dặm dưới đáy biển, và lần này, ông đưa độc giả đi vào tận tâm của lục địa đen qua công việc khai thác đá quý. Trong thí nghiệm tạo ra kim cương nhân tạo của Cyprien, viên Ngọc phương Nam nằm sâu trong lòng một khúc gỗ. Nó là sản phẩm hoàn mỹ giữa đống hoang tàn vỡ vụn của một nỗ lực tưởng chừng bất thành. Giữa gai góc của sâu thẳm, nơi sự hoàn mỹ là biểu lộ đầy đặn nhất của những gì tinh yếu, liệu có chỗ cho nỗ lực của con người hay đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?

 

Khi Cyprien tưởng mình bỏ mạng giữa hoang mạc khắc nghiệt, anh chợt thấy một con đà điểu giả trang đem đến cho anh chiếc phao cứu nạn. Giữa muôn trùng những tai ương trong cuộc mưu sinh khắc khổ, người cha trong The Song of Sparrows để cho ba đứa con vẽ nghịch ngợm trên cái chân bó bột. Và sáng hôm sau, khi giải cứu cho con chim sẻ bay ra ngoài cửa sổ, ông nhận ra trên mảng bột ở chân mình hình vẽ một con đà điểu tự do giữa sa mạc khô cằn.

 

Con đà điểu không đến mức làm ta thẫn thờ và cảm động như giọt nước mắt, nhưng cái dáng đi khắc khổ của nó gieo vào trong ta nỗi băn khoăn vô hình về những bất ổn không lường trước. Bài học của Jules Verne cho đến thời nay vẫn còn nguyên giá trị: hãy không ngừng khám phá, vì đó là nỗ lực trước tiên để ta đi tìm mắt xích kết thúc trong mối dây bất ổn của đời mình. Nhất là với những bất ổn trong tâm hồn và trí tưởng tượng. Tôi rùng mình khi nghĩ đến quả trứng vỡ.

 

TTVHĐÔ 11.2013

 

Tran Quoc Tan

*Photo: aLindquist

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI