22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cái giá phải đánh đổi khi làm truyền thông

Thật khó khi phải hướng dẫn các bạn khi chỉ dựa trên những nỗ lực mang tính lý thuyết. Học làm truyền thông, làm báo chí là một kinh nghiệm hoàn toàn mang tính cách thực nghiệm. Bạn sẽ phải nhảy vào cuộc sống, lăn lộn với nó để tìm kiếm những câu chuyện và kể chúng cho khán giả, độc giả.

Những sản phẩm của bạn, nó là những mẩu tin 30 giây hay 100 chữ, hoặc là một phóng sự 1 ngàn chữ. Nó phải là thứ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Ở đó nó có sự mặn mòi của những buổi trưa trang nắng lê la góc chợ hay bãi mía nương dâu nào đó. Ở đó có những giọt nước mắt chan hòa khi bám theo sự kiện, nhân vật nhiều ngày dài. Việc bạn phải chấp nhận bị nhịn đói hay bỏ bữa chỉ là một cái cốc nhẹ lên đầu. Đôi khi, bạn sẽ thấy mình ở trong tình cảnh bế tắc tột cùng, không một ai chia sẻ. Tất cả mọi người đều nói rằng bạn phải cố gắng lên, nhưng sẽ không ai có thể san sẻ cho bạn trải nghiệm khi phải túc trực hàng nhiều giờ đông hồ để rồi nhận được cái nhún vai của một ông thủ trưởng cơ quan nào đó.

Bạn sẽ không tài nào hiểu nổi, tại sao, cái nghề đáng lẽ ra vô cùng được trọng vọng này, lại khiến cho bạn có thể trở thành tâm điểm của những thù giận trút lên đầu mình. Bất kỳ sự cẩu thả hay không nghiêm cẩn nào của bạn cũng có thể khiến cho nhiều người khác bị vạ lây.

Một tâm thế tốt dành cho bạn, đó là hãy luôn đặt mình trong tình trạng tồi tệ nhất để nhỡ may có gặp nó, bạn cũng không đến nỗi quá tệ.

Luôn sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, miễn là có được những tin tức hay mang về. Điều này, đôi khi cũng khiến cho bạn phải đánh đổi. Nếu không biết cái giá nào là hợp lý cho những mặc cả phức tạp của cuộc sống, thì rất có thể bạn sẽ bị đánh mất mình. Những thỏa hiệp luôn tồn tại trong cái nghề tưởng chừng không mấy nghiệt ngã này. Thông thường, bạn sẽ dễ dàng bị rối trí về những thỏa hiệp. Sẽ có những chiếc phong bì dày dặn, những căn hộ trong một dự án mới, hay một chiếc xe mới trong lô hàng mới nhập. Đừng nói là bạn sẽ dễ dàng từ chối những món đồ cao cấp hoặc những món tiền thưởng không nhỏ đó. Không ai tiết lộ với bạn điều đó. Chỉ đến khi bạn cảm thấy hai ống tay của mình một cảm giác lạnh sắc của chiếc còng số 8, thì bạn mới nhận ra, mình đã phạm sai lầm. Nhưng bạn ơi, đã quá muộn rồi.

Cái nghề này, cùng với việc được đi đây đó và tiếp xúc với những tai to mặt lớn, những nghệ sĩ nổi danh, các nhà chính trị tài năng…Tất cả những ánh hào quang đó, khiến bạn mờ mắt. Nó là thứ ánh sáng ngược. Bạn không thể nhìn thấy rõ ràng cái gì ở phía trước. Chỉ có những tia sáng lấp lóa cuốn bạn đi cho đến khi bạn chìm hoàn toàn trong không gian ánh sáng đó. Và rồi, khi thứ ánh sáng đó lụi tắt, bạn chợt thấy mình trong một hoàn cảnh ê chề, lõa lồ với sự tự vấn của lương tâm.

Có nhiều người đã nói với tôi rằng, họ cảm thấy thật là khó sống và nói chuyện với ông hàng xóm. Vì ông ta chỉ nói những câu chuyện nộp tiền học phí cho con, chuyện nhà anh kia ở đầu phố đánh nhau với nhà chị nọ ở cuối phố…Bạn sẽ không thể nào tưởng tượng được, tại sao những câu chuyện tủn mụn và không đáng để ý đó lại có thể cuốn hút những gã hàng xóm đến như vậy. Vì bạn đang sống trong một thế giới rất khác. Ở đó, bạn như là ngôi sao cùng ở trong dãy Ngân hà của mình, với những câu chuyện thời sự Quốc hội hay ít ra cũng là chuyện nền kinh tế đang phục hồi như thế nào; hay Ngân hàng Thế giới vừa có những quyết sách quan trọng ảnh hưởng đến đất nước của bạn ra sao…

 

Cuong Nguyen

*Photo: Public Domain
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI