15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những Ngày Trời Bão

Photo:  LifeSupercharger

 

Ngày xưa còn nhỏ, mình rất thích mỗi lần trời bão. Buổi tối xem dự báo thời tiết có tin bão phương xa, xen lẫn trong nỗi lo lắng mơ hồ là cảm giác mừng thầm khấp khởi.

 

Vì trời bão là được nghỉ học. Cả cái xã mênh mông chỉ có một trường trung học. Tức là những đứa bạn ở tuốt mấy thôn Vinh Quang, Lộc Thượng xa tít mù tắp cũng tập trung về học ở đây. Tức là những đứa ở cái Cồn Chim chơ vơ giữa đầm Thị Nại nơi tận cùng xã phải dậy từ 5 giờ sáng, bắt đò rồi lóc cóc đạp xe mười mấy cây số tới trường. Trời bão. Sáng xách cặp đi học, hồi hộp vào lớp. Được vài phút, giáo viên chủ nhiệm xuống thông báo nghỉ học. Lũ lụt dâng cao, đò nghỉ, con đường xã lộ ngập chìm trong nước, nhiều đứa không đi học được. Lớp học như nổ tung vì vui sướng. Tung tăng xách cặp ra về. Nhìn tụi bạn hò hét đuổi nhau trên đường, vui như tết.

 

Vì trời bão là được về nhà ngoại chơi. Nhà ngoại cách chừng hai cây số. Trên cái xe đạp nhỏ xíu lùn tịt thừa hưởng từ thằng em họ nội, hai chị em mình đứa trước lái đứa sau đạp, chạy bon bon về thăm ngoại. Mấy đứa em con cậu leo lên xà nhà kéo cái sõng xuống, rồi cả bọn hò dô khiêng sõng ra con mương gần nhà. Cái mương này thường ngày nước cạn, chỉ hơn đầu gối một tí. Bão tới lũ lên biến nó thành một con mương lênh láng nước. Mấy chị em thích chí thả sõng xuống, chèo đi chèo lại ở khúc mương ngắn, vừa chèo vừa cười nắc nẻ, đến khi nào mình mẩy ướt đẫm, lạnh run người mới thôi. Chèo sõng về nhà sẽ được bà ngoại chiêu đãi món ăn đặc biệt mùa lũ: mắm cua. Bên ngoài trời rét, mưa phùn căm căm, bên trong bọn trẻ xúm xít bên mâm cơm trắng chan nước mắm cua thơm lừng, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, thật không gì sướng bằng.

 

Nghĩ chuyện về nhà ngoại chơi ngày bão, lại nhớ những ngày xưa xa hơn, khi tụi mình còn chưa biết đi xe đạp. Ba chở thằng em trên cái xe đạp đông ngang cao lêu nghêu, má chở mình trên chiếc thấp hơn, lạch cạch từng quãng ngắn, về ngoại. Con đường quê nhỏ xíu cắt ngang đồng lúa mênh mông, cứ mỗi lần lũ lên là nhấn chìm tất cả trong nước. Một chiều lụt lớn, mình theo má lội qua đồng nước lấp xấp trên đầu gối để về nhà sau một ngày thăm ngoại, thích thú nhìn dòng nước chảy tràn cuốn đi mát lạnh giữa những kẽ chân đang bám chặt xuống mặt đường bằng đất sét. Bỗng nhiên mình thấy, bên mép đường, một đàn kiến nhỏ đang túm vào bụi cỏ hiếm hoi lá cao lên khỏi mặt nước. Giữa những cành cỏ lưa thưa, lũ kiến cố chống chọi dòng nước cuốn chảy, cố bám trụ lấy những nhánh cỏ có thể  bị một cơn sóng gió dập đi bất kỳ lúc nào, bám trụ lấy cái hy vọng cuối cùng của chúng,  giữa một biển nước mênh mông vô vọng. Không hiểu sao hình ảnh đàn kiến bám víu những cành cỏ giữa biển nước cứ dán mãi vào trí nhớ của mình, hình ảnh về những sinh linh nhỏ nhoi cố bám lấy sự sống, dù sự sống lúc này chỉ là một sợi chỉ mỏng manh.

 

Vì trời bão là sẽ có cơ may được ngủ ấm. Một trong những ngày trời bão nào đó, bốn người nhà mình cùng chui trong một chiếc giường. Mình và thằng em ngủ ngon lành bên vòng tay ba má. Buổi sáng, mãi đến 9 giờ mới thức dậy. Ba má vẫn còn trên giường, không phải tất bật đi làm như thường ngày. Bốn người vừa quấn chăn nhìn ra bầu trời mù mịt ngoài cửa sổ, vừa thủ thỉ những câu chuyện nho nhỏ. Đó là hôm mình dậy muộn nhất từ trước giờ, và cũng là buổi sáng yêu thích nhất của mình từ trước giờ. Cái kỷ niệm ấm áp đó vẫn lấp lánh trong ký ức của mình, có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được. Bởi đó là một trong những lần hiếm hoi mình cảm thấy được cái hạnh phúc của một gia đình quây quần, đủ ba đủ má. Bão, đôi khi mang con người lại gần nhau hơn.

 

Nhưng bão dĩ nhiên không chỉ đem lại những điều thú vị. Nhất là đối với nhà mình. Mỗi lần trời bão, mưa to gió lớn, cứ phải đem hết thau chậu trong nhà ra hứng nước mưa đang tong tỏng rỏ xuống mọi ngóc ngách. Món ăn trường kỳ những ngày mưa bão là món cá ngân muối mặn chát, miếng cá bằng lóng tay đủ ăn hết một chén cơm. Và sau mỗi mùa bão là vườn nhà mình lại xơ xác tan hoang. Khu vườn ngày xưa lúc ba má mới dọn về rợp bóng cây cổ thụ, mỗi lần gió lớn lá cây rớt trên mái tôn xào xạc như mưa rào. Ở khu vườn ấy, mình lớn dần lên qua mỗi mùa bão, dần chứng kiến cây cối thưa đi. Cây bơ với cái thân bự bằng hai vòng tay ôm của mình và thằng em, cây mận với những chùm quả trắng hồng, cắn một miếng nước ngọt thấm đầy kẽ răng, cây bưởi mà mỗi lần hái trái, thể nào ba cũng cắt vỏ thành cái mũ chụp lên đầu hai đứa, cây me sẻ ngon nhức răng, mấy cây xoài ở bờ ao, cây ổi góc rào với cái chạc láng bóng ấn dấu leo trèo của hai chị em những buổi trưa hè… Tất cả chúng nó đều đã lần lượt ra đi, hết cây này đến cây nọ, sau bão này đến bão nọ. Các cơn bão thường được đặt tên bằng số. Mỗi năm quay vòng, từ cơn bão số 1, cơn bão số 2,… rồi đến cơn bão số 9, cơn bão số 10, có năm con số lên đến mười mấy, cây cối nào chịu cho thấu.

 

Giờ đây, mình nghĩ về bão như cái tai ương ngặt nghèo của thiên nhiên như hầu hết người lớn khác, nghe tin bão xa là lại thắt lòng nhớ đến mảnh đất miền trung gầy còm. Nghĩ về bao nhiêu cây cối đã ra đi không dấu vết, thấy tiếc nhớ như mất đi những người bạn thuở nhỏ. Nếu có cỗ máy thời gian quay lại quá khứ, chắc mình sẽ về ôm lại cây bơ già, cây me sẻ, cọ má vào lớp vỏ xù xì của chúng, ứa nước mắt thương nhớ. Nhưng hồn nhiên dường như là món quà của thời thơ dại. Một ngày trong tuổi nhỏ, bước ra khỏi vườn sau một cơn bão to, mình nhìn cây xoài nằm trơ gốc trên nền đất ẩm ướt, tự nói với chính mình: “Ồ, cây xoài mật bị bật gốc rồi.” Rồi bước qua những cành lá xum xuê dưới chân, loanh quanh tìm nhặt những trái xoài rụng. Đôi khi nghĩ về tuổi bé thơ, mình vẫn ước có thể an yên được như thời đó, chấp nhận sự vật như bản thân nó là, chấp nhận sự việc như nó đã xảy ra, và điềm nhiên bước tiếp.

 

Mình đứng bên cửa sổ, nhìn trời Sài Gòn xanh thẫm không một gợn mây, sáng dần lên sau trận mưa mèo chó tối qua vì ảnh hưởng của bão. Có bất công không khi hầu hết những cơn bão trong năm đều đổ về miền trung. Rồi mình mỉm cười, nhớ về những cái post và share trên Facebook của mấy người bạn cùng quê đang góp sức kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt. Có lẽ những cơn bão đã tôi luyện nên những người con miền trung như mình biết, hơi ăn to nói lớn, hơi suồng sã to bè, ghét ai là chửi thẳng vào mặt, nhưng đã thương thì hết lòng hết dạ, và vững chãi, và kiên cường, và luôn sẵn sàng đối đầu với giông bão cuộc đời. Những con người ấy lớn lên như những cái cây xanh khỏe mạnh, mọc thẳng và hiên ngang, đang kết lại như rừng cây trùng trùng, cùng giúp nhau và giúp miền trung vượt qua bão lớn.

Rosie Nguyen
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI