16.8 C
Da Lat
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

“Sài Gòn chưa xa đã nhớ…”

“Sài Gòn chưa xa đã nhớ, đường vui đôi chân sớm trưa. Tình yêu chưa xa đã nhớ, lời yêu tan trong tiếng mưa…”
– Tình ca phố – Quốc Bảo

“Sài Gòn ơi! Đã hết rồi ngày tháng đam mê…”

Tôi nghe bài hát “Sài Gòn còn đây niềm nhớ” (Thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc Phó Quốc Thăng) từ hồi còn học năm 2 đại học. Tôi hay nghe bài này (do Tuấn Ngọc hát) vào những buổi chiều mưa, cúp học, nằm ở phòng trọ trùm chăn ngủ (đây là thói quen tôi thích nhất khi ở Sài Gòn). Không cần phải đợi tới lúc kết thúc những “ngày tháng đam mê”, tôi mới thấy tiếc nuối, mới thấy nhớ Sài Gòn. Đúng hơn là ngay khi đang ấm áp trong vòng tay của “người tình” – Sài Gòn, tôi đã cảm thấy sợ một ngày phải xa nơi đây, sợ những giây phút tuyệt vời bấy giờ chỉ còn là kí ức…

Mấy hôm nay, Gia Lai cũng mưa rả rích cả ngày, do dư âm của mấy cơn bão liên tục gần đây, tôi chợt thấy nhớ Sài Gòn da diết. Theo dòng hồi tưởng, những kỉ niệm, kí ức ùa về, và tôi biết khả năng ngôn ngữ của mình quá nhỏ bé trước dòng cảm xúc dào dạt về Sài Gòn. Sài Gòn “mưa trưa nắng sớm” (Tình ca phố – Quốc Bảo), mưa đó rồi nắng đó, nhẹ tênh như tính cách con người nơi đây. Tất cả khắc sâu vào lòng ta, để rồi bất chợt lúc ta đón cơn mưa ở bất cứ nơi đâu, ta lại thấy lòng nao nao một nỗi nhớ…

Nhớ Sài Gòn!…

Sài Gòn nhậu, Sài Gòn cà phê, Sài Gòn nhớ…

Tôi ấn tượng nhất hai thứ ở Sài Gòn: nhậu Sài Gòn và Sài Gòn cà phê. Đây là hai thứ tạo nên đặc trưng của Sài Gòn và cũng là người thứ níu chân người đi xa như tôi nhất.

Sài Gòn là nơi mà nhậu gần như trở thành một nét văn hóa, nhậu mọi nơi mọi lúc, buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, không buồn không vui cũng nhậu để “nghiên cứu” cho ra vui ra buồn.

Bọn sinh viên chúng tôi hồi đó vô tư, đã biết suy nghĩ gì đâu, cộng với thời gian có, tiền (cha mẹ) có, sức khỏe có, nhiệt tình có. Thế nên anh em gặp nhau cũng đều. Mồi mè phong phú, bạt ngàn vì Sài Gòn là xứ tập trung món ngon mọi miền: Nam có, Bắc có, Trung có,xứ Quảng có, Việt có, Hoa có, Âu có, Á có… Và nhậu ở Sài Gòn có giá cả thuộc dạng rẻ nhất trong cả nước (cái này bản thân tôi có thể kiểm chứng qua quá trình nhậu nhẹt từ Bắc tới Nam của mình).

Đầu tháng xông xênh thì anh em kéo nhau qua nhậu thịt cầy Chánh Hưng, lẩu gà đá An Sương, xuống bò nướng Củ Chi, thèm baba lên Tân Bình, thịt dê lên Bình Chánh… Cuối tháng, bữa ăn có khi là gói mì đồng hành dài dài, thế nhưng nhậu nhẹt thì vẫn giữ nguyên khí thế, dù “bia quán nghèo nhưng vẫn nồng nàn hương vị”, theo phương châm “vui thì xị đế cũng là đệ huynh”…

Tôi nhớ nhất mỗi lần có dịp về quê, khi vô tôi đều kẹp theo mấy lít rượu mẹ nấu, cùng với kí cá chỉ vàng khô để anh em cùng thưởng thức đồng hành với “nước mắt quê hương”. Vào tới nơi tụ họp ngay bạn bè lại, lấy sân kí túc xá làm “chiến trường”. Thôi thì tùm lum hết, loạn xị, tranh nhau uống, tranh nhau phá, tranh nhau nói. Mấy thằng Nghệ – Tĩnh vênh váo “bay uống răng tau uống rứa”, mấy thằng ngoài Bắc nhem nhẻm “chiến đi, chiến đi anh em”, mấy thằng bạn miền Tây thì than “ “gụ” nhà mày nặng quá, nuốt không trôi”,  còn mấy đứa Sài Gòn mòn mỏi “ly tới đâu sao lâu tới đây dzữ dzậy bà con”… Vui tung trời!

Giờ có đứa đi làm, có đứa thất nghiệp, có đứa học tiếp, có đứa tối ngày gõ bàn phím chửi đời, nhưng cứ nhắc đến thời sinh viên lại thấy nhớ nhau, cứ thấy nhau trên face, câu hỏi thăm cửa miệng thường là “lâu hay nhậu không mày?” chứ không phải là “mày đi làm chưa”, “bao giờ cưới mày”?! Nhớ nhau nhiều chắc cũng nhờ một thời oanh liệt cùng nhau.

Cũng như nhậu, cà phê Sài Gòn vô cùng đa dạng, xuất hiện khắp nơi, từ quán sang trọng nhất đến quán bình dân nhất, bụi bặm nhất, đủ thể loại: nhạc nhẹ có, nhạc mạnh có, cà phê trong nhà có, cà phê ngoài vườn có… Đặc biệt nhất là cà phê vỉa hè. Không có ở đâu trên Việt Nam mà cà phê vỉa hè lại phổ biến như ở đây.

Cà phê Sài Gòn thường được gọi là cà phê giải khát, bởi nó thường được pha vào vào ly đá bự dùng để uống bia, đi kèm là ca trà đá, uống hết cà phê “chan” tiếp trà đá vào uống cho “đã khát”. Một ngày có khi tôi quất đến 3-4 ly như thế.

Người ngồi bên vỉa hè uống cà phê thuộc đủ mọi giới: doanh nhân, giám đốc, giáo viên, nhà báo, người bán hàng rong, sinh viên… Người ta uống cà phê để bàn chuyện làm ăn có, tán phét có, ngồi nhìn xe cộ qua lại có, mấy thằng sinh viên uống cho tỉnh táo về học bài cũng có…

Cuối năm ngoái tôi ra Hà Nội học thêm (sau khi học xong đại học ở Sài Gòn), thời gian rảnh nhiều, tôi hay đi dạo phố phường, những lúc đó tối thấy nhớ cà phê vỉa hè Sài Gòn kinh khủng. Ở Hà Nội chỉ có nước chè hay trà nóng vỉa hè thôi, cà phê thì phải vô mấy quán lớn, sang trọng, giá cũng không rẻ, mà tôi thực sự cũng không khoái uống cà phê trong những nơi đó lắm. Cà phê vỉa hè Sài Gòn trở thành thứ gì đó không thay thế được, khắc sâu trong tôi cùng với tình yêu Sài Gòn.

Sài Gòn, vùng đất “ngã ba sông”, Sài Gòn được xem như là một miền đất hứa, một kiểu “giấc mơ Mỹ”, hội tụ dân cư ở khắp miền đất nước tìm đến để học tập và mưu sinh. Chính vì vậy, Sài Gòn có sự đa dạng thú vị trong văn hóa và con người. Sài Gòn cho ta cơ hội có thể gặp đủ hạng người, đủ quê quán, đủ dân tộc trên mọi miền đất nước để tiếp xúc và học hỏi. Buổi sáng bạn có thể ăn sáng với mấy thằng bạn Nghệ – Tĩnh, Thanh Hóa, trưa ăn cơm với mấy thằng Ninh Bình, Hà Tây, tối ăn tối với mấy thằng Sài Gòn, Đak – Nông, Đồng Nai, Bình Phước… Từ đó ta có thể hiểu hơn về tính cách con người cũng như văn hóa các vùng miền khác nhau.

 “Phố của em, của anh…”

Sài Gòn có những con đường lộng gió, xanh rợp tán cây, chứng nhân lịch sử của bao cảnh dâu bể mà vẫn thấy trẻ trung và thân thương lạ thường. Thói quen của những thằng đi học xa quê (như tôi chẳng hạn), đó là đi bộ, đi dạo phố phường. Nhất là hồi đầu nhập học, lạ người, lạ cảnh, tâm trạng hệt như nhà thơ Hà Huyền Chi viết trong bài “Lệ đá”: “thuở ấy tôi như con chim lạc đàn, xoãi cánh cô đơn bay trong chiều vàng, và ước mong sao trời đừng bão tố”… Khi đó từng con đường Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường 3/2… luôn là bạn đồng hành, an ủi và chia sẻ, làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong tôi.

Sài Gòn cũng lưu giữ những kỉ niệm mối tình đầu của ai đó. Từng con đường, từng con phố một thời in dấu chân hai đứa. Khi yêu thì “phố của em, của anh” (Tình ca phố – Quốc Bảo), tới lúc còn một mình một bóng, chợt thấy phố vắng lặng, quạnh hiu, trống vắng đến tê người dù phố bao giờ cũng nhộn nhịp. Chợt thấy thương người con gái, gặp anh, thương anh rồi thầm nhủ lòng mình:

“Em ngược đường ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi…”

Để giờ đây anh “lãng du vô định cánh chim trời”, bỏ mặc em ngẩn ngơ cùng “phố”, đếm bước chân anh trong sự nhạt nhòa của dòng lệ ướt. Thấy nhớ, thấy thương, thấy giận, thấy nuối tiếc và thấy yêu hơn một thời hoa gió…

Đâu rồi “phố của em, của anh”?…

“Sài Gòn chưa xa đã nhớ…”

Sài Gòn trong ta là thế đó, chút kiêu sa, chút nhẹ nhàng, chút đằm thắm, chút hào hoa, khoáng đạt khiến ai đến đó một lần đều không nỡ rời xa. Và khi rời xa rồi lại mong một lần gặp lại. Để khi ôn chút kỉ niệm Sài Gòn ở một vùng đất khác, nhiều khi mắt lại ướt, làm mềm lại tâm hồn ai tưởng như đã khô cằn, sỏi đá.

“Sài Gòn chưa xa đã nhớ”…

 

Ngựa Hoang

*Featured image: Ảnh chụp từ clip “Gửi sài Gòn, từ một đứa con xa nhà” của nhóm 2 Giờ Sáng

 

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

    • Ai cũng gọi Sài Gòn là Sài Gòn mà.Chỉ những công việc liên quan tới giấy tờ mới ghi tp HCM,bạn ko biết sao ? Mà cứ vào nhà sách thử,toàn sách nói về Sài Gòn như SG tản văn,SG mặc khách,SG lạc lối…tất cả đều là SG thôi,đặc biệt là những việc liên quan đến cảm xúc.
      Mình cũng ko thấy gì lạ,không phải là vấn đề chính trị mà đơn giản SG nó là cái tên cúng cơm,giống như thằng Tí,thằng Tèo dù nó có lớn,có chức tước địa vị gì thì trong mắt bà ngoại nó vẫn chỉ là thằng Tí,thằng Tèo thôi !

Trả lời Nguyen Hai Nam Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,550Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI