18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Muốn có hạnh phúc, chúng ta cần tự do

Photo: Wiki Commons

 

Thời gian gần đây, tôi bắt gặp ngày càng nhiều lần sự lặp lại của cụm từ “tự do” trong nhiều câu chuyện, bởi nhiều người, theo nhiều cách thức khác nhau. Sự lặp lại ấy, dường như phản ánh một nhu cầu chung, một sự tiến bộ chung của xã hội, khi những con người khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, lại cùng khao khát mong đợi về một giá trị chung.

Tự do văn hóa

Bộ phim Bụi đời chợ lớn bị cấm phát hành, kiến nghị của anh Trần Ngọc Thịnh đề nghị cấm Xách ba lô lên và đi, khu vườn tượng ở Tây Ninh bị phá bỏ hay bà Tưng bị cấm biểu diễn đều làm dấy lên nhiều tiếng nói về tự do văn hóa.

Từ bao giờ thì chúng ta cho rằng người dân không có khả năng nhận thức được tác phẩm nào là tốt, tác phẩm nào là xấu?

Từ bao giờ thì chúng ta cần một cơ quan quyền lực nào đó đọc hộ, xem hộ, nghe hộ, duyệt hộ và cả cấm hộ cho chúng ta những bài hát, bức tranh, cuốn sách?

Từ bao giờ chúng ta có quyền áp đặt quan điểm của mình lên một tác phẩm, gắn cho nó cái nhãn mác là “ảnh hưởng nguy hại đến tinh thần, lối sống, tư tưởng” của mọi người?

Một người “bình thường”, cần có khả năng tự nhận thức, phân biệt đúng sai, điều gì là tốt xấu. Nếu họ không làm được điều đó, vậy thì có nghĩa là giáo dục của chúng ta đã thất bại.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thừa nhận hai điều quan trọng. Một là mỗi cá nhân có sự khác biệt, và vì thế toàn xã hội có sự đa dạng. Kết quả là bên cạnh các bài ca cách mạng chúng ta có cả các album Kpop, bên cạnh những cuốn tiểu thuyết ngôn tình chúng ta có cả các cuốn sách lịch sử. Điều thứ hai, đó là không ai có thể tránh khỏi sai lầm và sai lầm là cần thiết cho sự tiến bộ. Chúng ta có thể đưa ra lời khuyên, khuyến khích, thuyết phục, nhưng bạn không thể lấy danh nghĩa “vì tốt cho mọi người” để ép buộc một ai đó nghe một bài hát, hoặc cấm họ không được đọc 1 cuốn sách.

Một xã hội sẽ không thể có sự tiến bộ nếu không có sự khác biệt giữa các cá nhân.

Chúng ta cần phải cho rằng những điều đúng, những điều tốt đẹp sẽ được xã hội đón nhận một cách tự nguyện chứ không phải bằng cách bị ép đưa vào trong não. Những sai lầm là không thể tránh khỏi, việc tìm cách ngăn cản các cá nhân mắc sai lầm giống như việc đập hộ quả trứng cho con chim non chui ra: hiệu quả trước mắt nhưng hại về lâu dài. Những cá nhân được bao bọc bởi những “tiêu chuẩn” sẽ trở nên yếu ớt trước các biến động của xã hội, mất đi khả năng tư duy sáng tạo, phản biện mà thay vào đó là các chuẩn mực được đặt sẵn. Các định kiến, quan niệm truyền thống được “truyền thẳng vào não” sẽ khiến cho con người ta lười suy nghĩ, chủ quan duy lí trí, chối bỏ sự khác biệt, lấy số đông áp đặt.

Tôi cho rằng chúng ta sẽ có thể tiếp cận đến chân lý gần hơn, nhanh hơn nếu mỗi một niềm tin, một quan điểm đều cần phải tìm cách thuyết phục xã hội để tìm được sự ủng hộ và thừa nhận, thay vì đi “đường tắt” qua những quy định, luật lệ.

Thị trường tự do

Việc xây dựng trường chuyên lớp chọn, trợ giá xăng dầu, độc quyền ngành điện, hạn chế thị trường vàng, ghìm giá Việt Nam Đồng, … cũng tạo ra nhiều tranh luận trong giới kinh tế lẫn nhân dân về một thị trường tự do. Liệu chúng ta có quyền quyết định tiền thuế của chúng ta sẽ được chi vào đâu? Nhà nước cần đóng vai trò của một nhà quản lý hay là một doanh nghiệp khổng lồ? Liệu thị trường có thể tự cân bằng, hay là nó cần sự điều tiết và can thiệp liên tục bởi các chính trị gia?

Nhìn nhận vào thực tế, tất cả các lĩnh vực dịch vụ công do nhà nước cung cấp đều gặp nhiều vấn đề. Chúng là những dịch vụ được lấy từ tiến thuế của chúng ta, chúng ta vẫn phải trả thêm tiền khi sử dụng dịch vụ đó, kết quả là chúng không tốt. Chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông công cộng, cấp thoát nước, thủ tục hành chính …

Tôi chẳng bao giờ phàn nàn về chất lượng của các xe khách đường dài, bởi vì tôi có thể lựa chọn giữa Hoàng Long, Hải Âu, Sao Việt hay vô số các hãng vận tải không tên khác. Chúng có kém, có tốt, có đắt, có rẻ, nhưng tôi có quyền lựa chọn, có quyền góp ý, có quyền tẩy chay.

Tôi trả tiền cho dịch vụ, vì thế tôi đòi hỏi đãi ngộ tương xứng.

Điều này không xảy ra trong giáo dục. Tôi có thể lựa chọn học trường công hay trường tư, nhưng dù lựa chọn thế nào thì tiền thuế của tôi vẫn được dùng để chi cho sự vận hành của hệ thống trường công. Các trường công này, dưới sự hỗ trợ từ nhà nước, học phí rẻ hơn, thế nhưng cũng mất đi áp lực cạnh tranh, vì thế cũng mất đi động lực cho sự cải cách. Và chính sự hỗ trợ từ nhà nước này, tạo ra một lợi thế cạnh tranh không công bằng giữa những trường công và trường tư, khiến cho những trường tư này càng cần thu nhiều tiền hơn để bù đắp cho những đầu tư của họ. Nhìn tổng quan về sự việc này, dường như phần tiền thuế được chi cho giáo dục (có đóng góp bởi tiền thuế của tôi) lại trở thành một sự cản trở đối với chính ngôi trường tư mà con tôi đang học.

Việc thu thuế và chi cho các dịch vụ công cộng như y tế, giao thông, giáo dục có thể được hiểu là nhà nước “thu tiền trước” mỗi người dân, và “chi trả hộ” cho họ mỗi khi cần sử dụng. Điều này cũng tương tự khi nhà nước trợ giá xăng dầu, số tiền này thực chất cũng bắt đầu từ tiền thuế của người dân. Ở đây, là xăng dầu và người mua xăng được trợ giá, nghĩa là cho dù tôi mua xăng nhiều hay ít, hay thậm chí không mua (vì tôi đi xe đạp), thì tiền thuế của tôi cũng vẫn được chi để hỗ trợ cho những người mua xăng.

Thị trường cần sự cạnh tranh lành mạnh, người dân cần có quyền tự quyết định tài sản của họ, chính vì vậy họ cần được quyết định nơi và cách mà các khoản tiền của họ được chi tiêu. Một thị trường tự do sẽ tự cân đối và điều chỉnh giá cả, cung cầu, và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng chất lượng dịch vụ tương xứng với giá cả.

Vai trò của nhà nước, là cung cấp (chứ không phải độc quyền) các dịch vụ mà thị trường không vươn tới, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, trọng tài trong các tranh chấp, đưa ra các khuyến nghị, kích thích sự hợp tác, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng việc điều tra các vụ lừa đảo, giả mạo, phá hoại môi trường … chứ không phải là ngăn cản sự phát triển của thị trường bằng những trợ giá, áp giá, giấy phép …

Một xã hội mở

Tự do không đảm bảo cho ta sự hạnh phúc, nhưng sẽ không thể có hạnh phúc nếu chúng ta không được tự do.

Nhiều quốc gia, ví dụ như Hà Lan, đã đạt được sự tự do tương đối cao trong những lĩnh vực kể trên, tuy vậy, điều này không đảm bảo rằng hệ thống, xã hội của họ là hoàn mỹ và không tồn tại vấn đề. Tự do ngôn luận, tự do giáo dục hay thị trường tự do không đảm bảo rằng xã hội sẽ không còn tội ác, không còn người xấu hay không còn bất câp. Một xã hội hạnh phúc cần nhiều hơn thế.

Karl Popper, một triết học gia hiện đại, người đặt những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của bộ môn tranh biện, trong cuốn  “Xã hội mở và những kẻ thù của nó” đã nói rằng:

“Không ai có thể đạt tới chân lý cuối cùng, lý tưởng về một xã hội hoàn hảo cũng không thể thực hiện, vì thế, nhân loại phải chấp nhận hàng ưu tiên thứ hai, đó là mô hình xã hội không hoàn hảo nhưng nó có khả năng cải tạo khôn cùng.”

Tôi ủng hộ quan điểm này. Một xã hội tốt, hẳn là một xã hội có thể tự điều chỉnh và luôn tiến bộ. Điều duy nhất bất biến trong một xã hội mở, đấy chính là tính mở. Bất kỳ bộ phận “không mở” trong xã hội, nghĩa là bộ phận đó đã bị triệt tiêu sự tiến bộ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, một xã hội mở như vậy, được cấu thành bởi một thị trường tự do, kết hợp với một xã hội dân sự cởi mở. Chính phủ đóng vai trò những người đại diện, những người trung gian được cử ra để thực hiện những điều mà người dân giao phó. Xã hội ấy phải có nền tảng văn hóa lấy những giá trị như “tôn trọng”, “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” làm cốt lõi. Khi đó, thị trường nơi mà động lực lợi ích sẽ quyết định sự vận hành của các tài nguyên trong toàn xã hội ; xã hội dân sự sẽ giải quyết vấn đề ở nơi mà thị trường không vươn tay tới bởi những động lực của lương tâm. Cuối cùng, nhà nước sẽ đóng vai trò trọng tài, đảm bảo sự công bằng, công chính trong các hành xử của mỗi cá nhân trong xã hội.

Trên con đường đi tới hạnh phúc, chúng ta cần đi qua những chặng đường của độc lập và tự do. Nếu ngủ quên trên niềm vui độc lập, người ta có thể sẽ quên chặng đường tiếp theo mà chúng ta cần phải đi. Tự thân mỗi cá nhân chúng ta cần cùng nhau xây dựng cho một xã hội tự do hơn, và chúng ta cũng cần ý thức rằng xã hội tự do ấy cũng chưa phải là hoàn mỹ.

Một xã hội tự do, bắt đầu bằng những công dân tự do.

… Muốn có hạnh phúc, chúng ta cần tự do trước.

 

Hoàng Đức Minh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. mình thích phần tự do về văn hóa của bạn, nhưng về phần tự do thị trường thì dẫn chứng của bạn ko thuyết phục, bởi vì nước ta người nghèo còn rất nhiều. Bệnh viện, trường học công của Việt Nam lúc nào cũng bị kêu ca vì đủ mọi thứ quá tải, chất lượng ko tốt… đúng thế nhưng nó vẫn hoạt động và phục vụ cho phần lớn người dân. Bởi vì nhờ có nó trẻ em nghèo mới được đến trường, mới có cơ hội được đi học mà ko phải nghỉ học vì ko nộp được học phí.

    • bạn có bao giờ thử nghĩ… giả sử chính quyền là độc tài mà chúng ta lại lật đổ nó đi và thay nó bằng một chính quyền khác mà cũng tương tự như vậy thì chả khác tự hủy hoại đất nước đó và trì trệ nền kinh tế của một đất nước. Lấy ví dụ như Syria do, đời sống nhân dân đói khổ cũng vì chiến tranh mà ra, trẻ em thì không được đi học mà thậm chí còn mồ côi cha mẹ nữa…. vậy bạn thấy điều đó có tốt hay không

  2. "nhân loại phải chấp nhận hàng ưu tiên thứ hai, đó là mô hình xã hội không hoàn hảo nhưng nó có khả năng cải tạo khôn cùng"
    Trong tư tưởng và suy nghĩ của xã hội chúng ta ai cũng muốn đi đến "thiên đường" nhưng họ đâu có biết đó là "thiên đường" hay "địa ngục" thật sự.Họ là nhưng kẻ thụ động chỉ bik nhậu nhẹt,gái gú…Khi có một ai đó bàn về chính trị thì theo một phản xạ tư nhiên "ăn rau muống nói chuyện…","chém gió".Họ ko quan tâm tương lại của mình,bạn bè,gia đình họ thế nào họ chỉ quan tâm đến cái bụng được no đã và phải trả cái giá từng ngày mà họ coi như ko bik rồi hậu quả là họ tự tạo ra chứ ko phải thánh thần hay vua chúa gì đây cả!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI