34 C
Nha Trang
Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thác là thể phách, còn là tinh anh…

Gần trưa 11/10 bỗng thấy bảng nhắn tin trên màn hình Facebook nhấp nháy cái tên Đoàn Nam Sinh.

“Bia đi anh ơi”

Mình hỏi, “Đang ở HN à?”

“Vâng, em đang ở HN ngồi đâu bây giờ hả anh.”
“Ra 65 Ngô Thì Nhậm nhé.”
“OK.”

Thế là chỉ mấy phút sau mấy anh em đã có mặt ở hàng bia tiệp Goldmant, một lát sau Tấn Lộc (cháu gọi Đại tướng là bác ruột) cũng có mặt.

Câu chuyện xung quanh bàn bia cũng chỉ chuyện Đại tướng, chuyện các lãnh đạo nhà nước thấy gì qua tấm lòng của người dân với đại tướng,có ai tự sờ lên gáy mình để xem lại mình không?..vv…

Quay sang Tấn Lộc mình nói: “Mai viếng Đại tướng, ông là thành phần trong gia đình có cách gì cho tôi vào vào viếng cụ với không, mấy hôm nay chân tôi bị gout nó hành sợ xếp hàng lâu không trụ nổi.” Lão nói: “Nếu ở 30 Hoàng Diệu, ông đến lúc nào tôi mở cửa phụ cho ông vào lúc ấy, mai là chỗ quốc gia họ lo, có lẽ khó, thôi được rồi, nếu có thế nào, còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể tôi sẽ gọi cho ông sau.”

Mấy anh em ngồi với nhau một lúc rồi chia tay, Đoàn Nam Sinh đi Lào Cai, ngày 13 sẽ có mặt ở Quảng Bình để tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bắt tay Tấn Lộc mình nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là được vái lạy một vái trước linh cữu của Đại tướng, người mà tôi ngưỡng mộ từ thủa ấu thơ.”

Sáng 12/10 mở TV xem truyền hình trục tiếp lễ viếng Đại tướng, đúng thời điểm đồng chí X dẫn đầu đoàn chính phủ vào viếng cũng là lúc kho thuốc pháo hoa ở Phú Thọ phát nổ, chả biết có điềm gì chẳng lành không? Chắc có lẽ không tổ chức Quốc tang theo đúng nghi lễ là bắn 21 phát đại bác nên kho thuốc súng của Z121 ngứa ngáy tự động phát nổ chăng? Bên ngoài nhà tang lễ không khí thật trang nghiêm, Từ 5- 6 giờ sáng người dân đã tập trung rất đông trước tivi màn hình lớn đặt ở vườn hoa Yesanh, ở đầu ngã năm Trần Hưng Đạo…

Đến 15g là lúc nhân dân được vào viếng, mình lấy huy hiệu cựu chiến binh đeo vào ngực cùng vợ đi viếng Đại tướng, gửi xe ở Ngô Thì Nhậm hai vợ chồng đi bộ một lúc thì gặp đoàn người xếp hàng ở ngã ba Lò Đúc – Phạm Đình Hổ rồi ngược theo dòng người mãi về đến trường Đại học Tổng hợp phố Lê Thánh Tôn mới vào được hàng, người mỗi lúc một đông từ các ngả đổ về, cứ lặng lẽ, trật tự và từ từ trôi, không hề có chen ngang, trên tay rất nhiều người trong đoàn người là ảnh Đại tướng, là hoa, là những câu đối viết về Đại tướng. Dòng người cứ thế từ từ trôi theo tuyến đường Lê Thánh Tôn – ngã năm Trần Hưng Đạo – Hàn Thuyên – Hàng Chuối – Phạm Đình Hổ đến ngã tư Lò Đúc rồi vòng lại theo lộ trình đã đi quay về ngã năm Trần Hưng Đạo, rẽ sang vườn hoa Tăng Bạt Hổ đi thẳng lên Nguyễn Công Trứ rẽ sang nhà tang lễ với quãng đường khoảng chừng 3km.

Đứng trong hàng người đi viếng Đại tướng, mình nhớ lại năm 1969 ông Cụ mất, khi ấy dân số Hà Nội chưa đông như bây giờ, lại đang chiến tranh, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, chỉ đơn giản như từ Phú Thọ về Hà Nội chừng 50km cũng là cả một vấn đề, thế cho nên người từ các tỉnh về viếng Cụcũng hạn chế không được như bây giờ. Mọi người đi viếng ông Cụ thường đi theo tổ chức cơ quan, đoàn thể là chính, số lượng người dân đi viếng tự do không nhiều như bây giờ, nhưng không khí trang nghiêm, hầu như ai cũng khóc (Tắt nhiên không phải khóc vật vã, đập đầu xuống đất như bên Bắc Tiều Tiên). Hôm làm lễ truy điệu ông Cụ cả quảng trường Ba Đình chật kín người dưới trời mưa…

Hà Nội và cả nước đêm qua 12/10 không ngủ … Những dòng người kéo dài dài từ Hàn Thuyên- Hàng Chuối- Phạm Đình Hổ… Những ổ bánh mì, cốc nước, cánh tay quạt đều của những em tình nguyện, mình hỏi: “con đã được ăn gì chưa?” “Dạ con ăn bánh mì rồi…” . Rồi lại vung tay quạt cho những người đang xếp trong hàng. Yêu lắm những sinh viên tình nguyện trong lễ tang này, các cháu mang bánh mỳ, nước uống đến tận tay những người già, em nhỏ, khi cần thiết lại nắm tay nhau thành hàng rào phân cách mềm để dòng người xếp hàng được thuận lợi, thấy mình râu ria tóc bạc các cháu luôn nói “ông ơi, ban tổ chức nói rằng những người cao tuổi được ưu tiên, để con đưa ông lên phía trên, ông vào viếng sớm cho đỡ vất vả”. Vì đi với vợ nên mình luôn phải cảm ơn và từ chối “Thôi cứ để ông xếp hàng, vì ông còn đi cùng với gia đình, vả lại xếp hàng thế này còn là một hình thức học tập chữ Nhẫn của đại tướng đấy cháu ạ.” Khi dòng người quay lại ngã tư Hàng Chuối – Phạm Đình Hổ, mình ngước lên ngôi nhà màu vàng ở cạnh ngã tư trên đường Phạm Đình Hổ thấy ánh đèn vẫn le lói, lòng tự hỏi lòng: Không biết người đang ngồi trong ngôi nhà đó có nhìn xuống đường và nghĩ gì không?

Sau 6 tiếng đồng hồ xếp hàng, đến 21g5’ mình đã được đứng trước linh cữu của Đại tướng, mình xin đại tướng linh thiêng phù hộ cho cả dân tộc Việt Nam đoàn kết như tấm lòng của toàn dân hướng về Đại tướng trong mấy ngày qua. Đây là lần thứ hai trong đời, mình đã bật khóc trước sự ra đi của hai con người vĩ đại: Bác Hồ và Đại tướng. 23h10′ ban tổ chức tang lễ thông báo “đồng bào thông cảm – Ban tổ chức đã quyết định dừng việc vào viếng thăm”. Dòng người còn dài vô tận, nhiều người nước mắt ngắn nước mắt dài nước nở vì chưa thực hiện được tâm nguyện được vái lạy trước linh cữu của Người. Đúng là cho đến tận khi nằm xuống, cái chết của ông vẫn có ích đó là cảnh tỉnh cho giới lãnh đạo về bài học lòng dân.

Trong thế kỷ 20 này chỉ có Đại tướng là người làm nên lịch sử vĩ đại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế, về phong cách sống, ông là biểu tượng của một con người đức độ, trong sáng và trí thức, lúc nào cũng vậy trong mọi thời điểm của tổ quốc trong chiến tranh cũng như thời bình, ông đều đau đáu vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích của nhân dân. Cả cuộc đời, Đại tướng cống hiến sức mình vì dân, vì nước nhưng bản thân lại chẳng đòi hỏi gì cho mình. Đại tướng sống hết sức giản dị, khiêm nhường và luôn hết lòng vì dân tộc Việt Nam. Thế giới gọi ông là vị tướng huyền thoại, nhưng với ông, ông luôn nói rằng chính nhân dân mới xứng đáng với cái tên “tướng huyền thoại: tướng nhân dân”. Chính những đức tính khiêm nhường, bình dị, luôn nghĩ cho dân, làm việc phục vụ nhân dân nên khi Đại tướng mất, từ cụ già cho tới các em nhỏ, ai ai cũng nghiêng mình kính cẩn, tiễn biệt Người.

Cuộc đời của Đại tướng trong thời bình tuy còn nhiều vất vả, gian nan nhưng bù lại ông luôn luôn chiếm được tình cảm, lòng tin của nhân dân dành tặng. Triệu triệu con người Việt Nam tiễn đưa ông, tiễn đưa người anh hùng của dân tộc về với đất mẹ – nơi đã sinh ra người con vĩ đại tổ quốc Việt nam. Thiết nghĩ chỉ cần nhìn biển người tiễn đưa ông từ khắp mọi miền của Tổ quốc với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, thì những người luôn tự nhận mình là “đầy tớ trung thành của nhân dân” cần phải xem lại và tự sửa lại mình.

Có thắc mắc trong dư luận là bài điếu văn không dùng chữ “anh hùng” khi nhắc về Đại tướng, mặc dù không ai có thể phủ nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người đóng vai trò vô cùng to lớn trong hai cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là chống Pháp và chống Mỹ. Và hơn nữa trong điếu văn Tổng bí thư đã dùng chữ: “nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân” là chưa đủ trong đánh giá về công trạng của Tướng Giáp.

Đám tang của Đại tướng là một đám tang không tiền khoáng hậu, chứng tỏ Đại tướng là một người được toàn dân kính trọng, tất nhiên trừ một số người kỳ thị và ganh ghét đại tướng.

Theo mình phải nói ông là một vị anh hùng dân tộc thì mới thỏa đáng, mới xứng với công lao bất hủ của đại tướng, và xứng với cống hiến to lớn của đại tướng đối với dân tộc. Việc tôn xưng tướng Giáp là “Vị tướng của nhân dân”, “Đại tướng của lòng dân” tuy không sai, nhưng vẫn chưa bao quát hết tầm vóc của tướng Giáp, chẳng qua khi đại tướng mất đi, thấy nhân dân thương tiếc đại tướng, thấy dòng người không ngớt từ mọi miền đất nước đến viếng ông ở tư gia, hàng triệu người sống trên quốc gia mang hình chữ S này đã đến tưởng nhớ, thắp hương, khóc và thương tiếc ông ở khắp các bàn thờ ông được dựng lên (từ cấp trung đoàn) trên toàn quốc thì mới “tát nước theo mưa” mà gọi vậy chăng?

Hà Nội sáng nay 13/10 dậy rất sớm, sớm hơn nhiều mọi chủ nhật thường thấy, mọi người trật tự, nhường nhau xếp hàng và thành kính suốt dọc đường mà ban tổ chức tang lễ đã thông báo lộ trình linh xa sẽ chở đại tướng từ nhà tang lễ Quốc gia đến sân bay Nội Bài, để được lần cuối cùng tiễn biệt Đại tướng trở về với đất mẹ Quảng Bình. Xem truyền hình trực liếp lễ truy điệu trên TV, nghe lời hứa của Tổng bí thư trước anh linh đại tướng là: “trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội…” (sao không thấy TBT giơ tay xin thề như hồi ông Lê Duẩn đọc điếu văn bác Hồ để mình hô xin thề theo), nghe đại diện gia đình đại tướng nói lời cảm ơn… xe linh xa bắt đầu lăn bánh, mình chạy vội ra đầu đường Lê Duẩn – Điện Biên Phủ chờ để tiễn biệt ông, khi xe của tiêu binh và linh xa vừa chạy qua bỗng nghe thấy phía sau lưng mình hai người nói với nhau “Thôi về, tiễn cụ lần cuối cùng thế là thỏa nguyện rồi, mấy cái này đứng đây xem làm gì.” Mình không hiểu hai người ấy nói “cái này” là gì bèn quay lại nhìn, thì ra “cái này” là mấy cái xe đi sau linh xa biển 80… màu xanh. Không biết sang thế kỷ XXI này có còn đám tang nào được như như đám tang Đại tướng không? Cầu chúc cho Đại tướng về bên ấy siêu thoát, phù hộ cho đất nước ta, dân tộc ta ngày một cường thịnh.

Chợt nhớ tới câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” sao nó đúng với con người đại tướng thế.

 

Bài và ảnh: Ba Tê

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI