26 C
Da Lat
Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Một câu chuyện thời bình

Photo: UW Digital Collections

 

Tôi không chắc chị có phải một nhân vật do tôi hư cấu. Tôi không chắc những gì đọng lại trong đầu tôi là đúng. Chỉ biết rằng những lời chắp vá khiến tôi muốn lưu lại câu chuyện. Có lẽ chỉ là một câu chuyện ất ơ và chẳng liên quan gì đến thời cuộc. Mọi người không cần phải đọc.

Chị là người làm việc cần mẫn ở tòa soạn báo suốt mười tám năm, trong đó có thời gian làm ở ban kinh tế. Sau này tôi mới gặp chị. Lính mới và lính cũ, chẳng dính dáng đến nhau. Hôm liên hoan tòa soạn mới, chị dắt theo hai đứa con nhỏ. Hai đứa thật xinh và ngoan. Đứa con gái cắt tóc tém, nói chuyện khẽ khàng như một cô búp bê. Chị gắp cho chúng thức ăn, rồi hai đứa lẽo đẽo ra sa lông ngồi ăn với nhau và nghịch iPad, ríu rít như hai con chim sẻ. Không nhớ đầu đuôi thế nào, nhưng chị có kể tôi nghe câu chuyện.

Nhà mẹ chị trong nam, dù rằng gốc gác tứ đời ở ngoài bắc. Bà yêu một người khôi ngô, cao ráo, sắc nét lắm, và theo như hình dung cho tới những năm sau này, ông là một người tử tế. Cả hai lấy nhau, chưa có con, đâu được năm tháng thì ông tập kết ra bắc. Năm năm tư. Người ra bắc đi bộ đội. Người anh em trong nam cũng đi bộ đội, nhưng khác chiến tuyến. Đất nước bị một nhát cắt, ngọt và thảng thốt như cắt một trái cam. Hai người mất liên lạc nhau từ đó. Không thư từ, cũng chẳng rõ đơn vị.

Chị cũng chẳng rõ khi ấy mẹ chị đau đớn thế nào, vì khi ấy chị chưa sinh ra. Chị là con của mẹ chị với người đàn ông đến muộn. Phụ nữ miền nam có chồng ngày ấy, vợ chồng ly tán, đơn thân rồi cũng không sống nổi, bị sách nhiễu đủ điều, xung quanh nghi kị. Nội (chị vẫn gọi mẹ chồng cũ của mẹ chị là Nội) khuyên mẹ chị lấy chồng mới. Bà lấy một ông chồng sĩ quan, bố chị, năm năm chín.

Mười mấy năm chiến tranh, chị sinh ra, rồi giải phóng. Thời gian như bụi gai, cứa toạc kẻ qua đường. Thời gian trong chiến tranh như hàng rào dây kẽm, tứa máu và bất lực. Mười mấy năm trôi qua, sau giải phỏng, ai cũng tưởng người chồng ngày xưa đã mất. Hoặc vợ con đề huề ở ngoải, như bao ai khác. Người còn lại tự nhủ với một sự thật dù cho không phải sự thật. Thôi cứ tin là thế đi, dù sao còn biết làm gì?

Một chiều nắng gay gỏng năm 1982, bố chị sắp sửa ra tù cải tạo, mẹ chị đang rào lại vườn cây thì có hai bộ đội người ở ngoải đến tìm. Tìm mẹ chị, chị ở hàng hiên đứng ngó. Hai ông bộ đội là đồng chí của người chồng cũ. Phải chăng người chồng khi xưa còn sống? Không, có giấy báo tử. Nhưng thật ra ông còn sống đến tận năm 75, lính hải quân, vẫn đơn thân chưa vợ, vào đến cảng đà nẵng thì bị một phát đạn xuyên qua ngực. Một trong những phát đạn cuối cùng của cuộc chiến. Ông có dặn người đồng chí, nếu giả như ông có giấy báo tử, nhớ mang giấy tờ của ông về cho người vợ, tên là thế này, ở đâu đó, nói chung ở đâu đó, trong nam.

Chuyện ấy mãi về sau mẹ chị mới kể. Nhưng chị còn nhớ khuôn mặt thất thần của bà sau khi hai người lính đi khỏi. Cô bé con không biết chuyện gì, chỉ biết là một chuyện ghê gớm lắm. Đó không phải mẹ chị nữa rồi, đó là ai đó ở đâu đó, mang khuôn mặt của mẹ, hình như không buồn, không biểu cảm, chỉ là đanh và bất động. Khuôn mặt mất hồn, không biết chất chứa bao nhiêu va chạm của day dứt, đớn đau và tội lỗi? Dòng hồi ức hỗn mang, cào cấu như bụi gai hay xâu xé như hàng rào kẽm?

Mãi về sau, lớn lên, làm mười tám năm trong một toà soạn báo, rồi đi liên hoan cơ quan mới, dẫn theo hai đứa con thật ngoan thật xinh và ríu rít như hai con chim sẻ, chị vẫn không nguôi ám ảnh khuôn mặt đó của mẹ, và không nguôi nghĩ: nếu như người chồng xưa khi ấy không chết, không chết vì một phát đoạn cuối cùng oan nghiệt trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, vào một chiều nắng gay gỏng năm 1982, bố chị sắp sửa ra tù, và người ấy về gặp mẹ chị, thì sẽ ra sao?

Tâm trí đôi khi thật tàn nhẫn, đôi khi cũng phải nương theo thực tại, đôi khi cũng phải thôi nghĩ về điều ấy, cái điều ất ơ và cũng chẳng liên quan gì đến thời cuộc. Mọi người cũng không cần phải đọc. Chỉ biết đó là chuyện thời bây giờ, một thời khó có thể đặt tên, nhưng nếu cần phải đặt, người ta sẽ ghép vào hai chữ: một câu chuyện “thời bình”.

 

Tran Quoc Tan

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,550Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI