28 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bàn Về Cải Cách – Phần 2

Photo: Wesley Fryer

Vấn đề thứ hai: Lực lượng công nhân

Ở phần trước, tôi đã chỉ ra nhiều mục tiêu mơ hồ và kém hiệu quả của các kĩ sư thiết kế nền Giáo dục nước ta, tiếp tục ở phần này, bằng tầm nhìn của mình, tôi sẽ đề cập đến thành phần thứ hai: lực lượng công nhân. Những con người vừa đáng thương vừa đáng trách.

Vấn đề bắt đầu từ thời điểm mà họ quyết định trở thành một công nhân giáo dục – dạng công nhân đặc biệt nhất trong các dạng công nhân, đó là dựa trên cơ sở mà đưa ra quyết định ý. Chúng ta có thể thấy nhiều bạn trẻ chọn thi vào khối ngành “đào tạo người thợ giáo dục” hàng năm, với mục đích thì vô cùng đa dạng.

Trước hết phải kể đến những “người công nhân tương lai” với số lượng ít ỏi. Họ là các bạn trẻ tâm huyết, luôn nung nấu ước mơ ấy và quyết lấy nó làm sự nghiệp của mình. Chính vì xuất phát điểm thuận lợi như vậy, nếu nói đặt hy vọng của chúng ta vào họ, tôi nghĩ không phải là không có cơ sở. Phần nào nền Giáo dục tốt hay xấu là nhờ vào lực lượng công nhân này, có những người ham muốn góp công sức xây dựng nó đến thế quả là đáng mừng lắm chứ. Tuy nhiên, càng ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng về lực lượng công nhân – trong đó có cả những bạn từng rất tâm huyết. Hẳn đã có sự tác động tồi tệ mới khiến họ thay đổi đến thế. Theo tôi, đó là những áp lực rất kinh khủng. Bước vào quá trình đào tạo bị vùi dập không thương tiếc, chỉ những ai thực sự có nội lực trụ qua được, nếu không sẽ bị bẻ vụn ý chí. Có nhiệt huyết đã là quý, giữ được nó lại càng đáng trân trọng hơn. Phải chăng vì không duy trì được năng lượng, họ đã bị chệch hướng, mất mục tiêu? THẬT ĐÁNG TIẾC!!!? Bởi ý chí không mạnh mẽ đủ để bảo vệ ước mơ trước các thử thách, họ mất nó, nền Giáo dục vì thế không còn những người thợ tâm huyết nữa…

Khác với số ít kém may mắn trên, đông những bạn còn lại chọn nghề này thì không mấy mặn mà với nó. Có những bạn chọn bừa, chọn đại theo phong trào “bạn bè sao thì mình vậy” Những người khác lại vì có quen biết trước trong nghề nên sẽ chen chân dễ dàng, không vất vả. Buồn cười hơn, có trường hợp “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”,… Thậm chí, vẫn còn không ít những lí do quái gở khác mà tôi không biết hết hoặc thể liệt kê đầy đủ ở đây, nhưng bấy cũng đủ để thấy rõ định hướng thành “công nhân giáo dục” của các bạn này khác hoàn toàn so với những người tôi kể ở trên. Dẫn đến tình trạng tất yếu xảy ra, các bạn thực đáng làm thì không đủ dũng khí để làm tròn, còn những người chẳng hề quan tâm tới thì làm như không. Vấn đề trở nên trầm trọng như vậy, bảo sao lực lượng công nhân tương lai không thể xây nên một công trình vững chắc. Vâng, cái khó của họ và của chúng ta, theo cá nhân tôi, chính là ở lòng đam mê, đam mê nghề nghiệp của từng người, đam mê để làm tròn công việc.

Tại sao lại là đam mê mà không phải mục đích như vấn đề của “hội kiến trúc sư”? Trong suy nghĩ của tôi, mỗi thành phần sẽ có một vấn đề riêng đặc biệt nghiêm trọng, và ở thành phần công nhân này, đó là nhiệt huyết. Chính là có động cơ nhưng ngừng hoạt động.

Trở lại với thành phần công nhân lúc đầu, công việc đặc thù, đáng lí họ phải có hứng thú với nó như thể đấy không còn là việc phải làm, mà là việc cần làm. Trong lòng thấy phần khởi khi lao động, thiếu thốn khi nghỉ ngơi. Và những người công nhân thì lại không làm được như thế, bởi họ, như tôi đã viết, ít dũng khí vượt lên khó khăn.

Nếu như tại các thành phố lớn, lực lượng công nhân khá là dồi dào, thậm chí thừa, thì tại khu vực kém phát triển như vùng cao, vùng sâu vùng xa, huyện đảo,… lại khá là ít. THẬT NGƯỢC ĐỜI!!!? Nhu cầu giáo dục của trẻ em trên cả nước là như nhau, đâu thể chỉ có thủ đô Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì được ưu ái, còn những nơi khác lại phải “xếp hàng”. Trẻ em đô thị có điều kiện nên nhu cầu cao hơn trẻ em vùng quê, vùng dân tộc, hải đảo còn khó khăn! Những người tự xưng là công nhân ngành giáo dục mà lại sợ khó, sợ khổ, ngại đường xa,… nên từ chối thì đến bao giờ những vùng sâu vùng xa, vùng khó vùng khổ ấy mới đi lên? Quanh năm chỉ vi vu nơi ồn ào, hào nhoáng. THẬT NHÀN HẠ!!!?

Lãnh trách nhiệm cao cả, tất nhiên gặp khó khăn, nhưng nếu vì khó quá nên từ bỏ thì ai chẳng làm được. Là những người mang trong mình đam mê cháy bỏng, tại sao lại để nó yếu ớt, đến nỗi không thổi bay nổi thử thách? Để các bạn dễ hình dung hơn ngọn lửa tàn lụi ý, tôi sẽ lấy một việc cũng trong ngành Giáo dục để minh họa thật ngắn gọn những gì mà tôi muốn nói. Phần nào nó giống với vụ việc thầy cô đánh học sinh đã gây ầm ĩ. Theo tôi, đã là học sinh thì cần được rèn giũa nghiêm túc. Thậm chí là đánh mắng. Các thầy cô tất nhiên là còn bé thì không nên làm quá đáng, dẫn đến căng thẳng. Nhưng đó là ở cấp 1 cấp 2 thôi, còn đã học cấp 3 rồi mà vẫn còn “bình thủy tinh” tới mức dễ bị tổn thương tình cảm hay sao? Tạm cho là các bạn đang bước vào độ tuổi dễ biến động tâm lí, dễ khủng hoảng, cho nên thầy cô đánh sẽ gây hậu quả xấu, vậy còn bố mẹ ở nhà thì sao (ở Việt Nam, bị bố mẹ đánh không phải là hiếm)? Rồi sau này khi trưởng thành, bước ra cuộc sống,… chắc sẽ bị xã hội bóp nát mất. Nhận thức non nớt dù đã mười lăm tuổi đầu, không biết tự trọng, tự yêu lấy bản thân thì gia đình, xã hội, theo tôi, sẽ chẳng trông mong gì được. Chuyện đã rành rành ra đấy, thế mà lại có những mũi công kích quay lại nhằm thẳng vào thầy cô, trong khi, họ chẳng làm gì sai cả. Về phía các thầy cô, thực sự họ cũng đáng trách, bởi đã không kiên quyết làm đến cùng. Họ không chịu nổi. THẬT ĐÁNG BUỒN!!!? Khi mà một chút khó khăn đã làm lung lay như vậy, nhiệt huyết dạy học bị tổn thương như vậy, kết quả như nào có lẽ đã rõ. Đam mê ít ỏi quá, dập cái là tắt thì liệu “truyền lửa” làm sao đây! THẬT YẾU ỚT!!!?

“Hãy nhớ rằng, mọi thành tựu to lớn đều giành được nhờ vượt qua những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi.”

– Chaplin

Nhân đây cũng xin gửi tới tất cả những ai đang làm nghề giáo câu nói nổi tiếng này, tôi hy vọng dù những sự cạn hẹp ngoài kia có châm chọc ngoáy công việc các thầy cô như nào, sự nhiệt tình trong mỗi người cũng không vì thế mà bị vỡ vụn dễ dàng. Thực sự cần phải như thế.

Đến đây chắc mọi người đã rõ tầm quan trọng tôi muốn nhắc đến. Làm việc trong môi trường giáo dục mà hời hợt thì chỉ khiến công việc kém hiệu quả, thui chột thì chỉ làm cả hệ thống đi xuống theo. Những ai là công nhân giáo dục, hãy tự xét xem, đam mê trong mình ngày nào giờ ra sao, đặc biệt là hãy so sánh với trường hợp mà tôi nêu ra ở trên, giờ nó cháy hay tắt mất rồi?

Chúng ta đã bàn bề “hội kiến trúc sư” chỉ biết vẽ ra mục tiêu để đi lệch. Vừa rồi là những công nhân không duy trì được nhiệt huyết theo đuổi công việc vì gặp khó khăn. Thôi nói về họ, tôi muốn chuyển hướng sang một bộ phận khác trong lực lượng công nhân đã nói ở đầu, những con người xây dựng nền Giáo dục không bởi đam mê.

 

Họ thật sự rất “ăn hại”! Ngoài việc cản trở đam mê làm việc của người khác có dịp bùng nổ, những kẻ này còn làm mục ruỗng trụ cột Giáo dục từ trong ra ngoài gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thứ nhất là nhóm người trình độ chuyên môn kém nhưng lại lười nâng cao trình độ. Đã đi làm là phải có trình độ nhất định mới ra được sản phẩm tốt. Vậy mà lại có những kẻ được mời làm như không, trong khi năng lực nghề nghiệp thì bập bõm, rất bình thường. Sản phẩm làm ra vì thế mà không đảm bảo, tuy nhiên, khi có lỗi phát sinh, thay vì sửa chữa thì lại giấu nhẹm đi. Điển hình là câu chuyện của tôi, được làm việc với một người công nhân như thế. Khi tôi thắc mắc thì thay vì giải đáp cặn kẽ, người đó chỉ nói: “Làm sao tôi biết được?”. Hay khi kiểm tra chất lượng sản phẩm, chẳng có mấy gợi ý được đưa ra, bọn tôi làm việc hầu như là chính, thậm chí nhiều khi chúng tôi bế tắc, lại chỉ nhận được sự lúng túng, sự giải quyết vụng về không rõ ràng, làm đến đâu hay đến đó, “đâm đâu biết đấy”… Hoặc một vài trường hợp khác, có những công nhân bấu víu vào sách vở theo cách “chết đuối vớ được cọc”, cứ thế dập khuôn mà cung cấp sản phẩm (sản phẩm của họ là loại đặc biệt, khác với các sản phẩm thông thường mà chúng ta đã biết). Chính sự yếu kém, không đổi mới sáng tạo đấy đã đẩy chúng tôi vào tình cảnh “ăn sống nuốt tươi”, không thể tiêu thụ được. THẬT TỆ HẠI!!!?

Những người thợ mà còn tay nghề như vậy, công trình tầm cỡ quốc gia không ngả nghiêng, xập xệ mới là lạ. THẬT ĐAU XÓT!!!?

Tiếp theo là bộ phận thứ hai rất quan trọng, nếu không toàn bộ những gì tôi nói từ đầu đến giờ đều chỉ là mớ chữ vô giá trị. Trong con mắt cá nhân, tôi coi chúng là những kẻ lừa đảo, không hơn không kém, bởi đó là những người coi tiền còn hơn cả đạo đức nghề nghiệp. Lách luật bằng cách thỏa thuận ngầm với các nhà đầu tư (vì kém hiểu biết, không ít người bị lừa mà rót vốn cho chúng) để cung cấp hàng giả cho các khách hàng. Thời gian thì không có bao nhiêu, đơn hàng lại cứ tăng vùn vụt, tất nhiên hầu hết tiền đầu tư thay vì tạo ra sản phẩm có chất lượng lại bị sử dụng để tạo ra mớ bòng bong vô giá trị. Không chỉ ních đầy túi của mình, chúng còn tăng cường quảng bá với các mạnh thường quân rằng kết quả dù khả quan hay bi quan cũng cần được rót thêm để không ngừng nâng cao chất lượng. Đồng thời, về phía khách hàng, những kẻ này liên tục “hiếp dâm tinh thần” một cách dã man. Nào là đe dọa sẽ vỡ kế hoạch của nhà đầu tư gây lãng phí, sẽ không đạt mục tiêu đề ra ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng… Tạo tâm lí hoang mang, bất an, thậm chí phản tác dụng, không cần biết sản phậm như thế nào, họ chỉ quan tâm có được càng nhiều càng tốt. Cứ thế, nhà đầu tư mụ mị, người dùng lo lắng, còn chúng cứ yên tâm mà thu tiền, chỉ việc giao hàng vô tội vạ chẳng quan tâm đến việc sử dụng của khách. Và tất nhiên họ chẳng thể dùng hết được, cứ mua về xong lại để đấy dùng dần, mà có dùng hết, tôi nghĩ cũng chẳng có tác dụng gì, bởi toàn thứ kém chất lượng, chẳng hiệu quả. Đó cũng chỉ là hiện trạng lẻ tẻ, còn ở mức cao hơn, chúng xây dựng nên các trung tâm giáo dục ma. Sản phẩm sản xuất hàng loạt, các khâu kiểm định qua loa cho có, giao hàng kịp thời hạn và đủ số lượng. THẬT VÔ TÂM!!!?

Các trung tâm giáo dục ma vừa được tôi nhắc đến là sao? Đây thực sự là thất bại ngành Giáo dục vì đã không loại bỏ được những trung tâm phá hoại hệ thống này. Bởi chính từ các trung tâm này, sản phẩm làm ra còn đặc biệt hơn cả thứ sản phẩm mà tôi nói ở trên, vốn cái trên đã khác biệt với sản phầm ngành nghề khác thì ở đây, nó lại là con người.

Nếu như các công nhân đam mê tàn lụi khiến hệ thống khập khiễng, đam mê không có làm hệ thống “chảy máu”, thì các trung tâm này, đáng sợ hơn, làm hệ thống khủng hoảng vì nợ xấu. Tôi không thể viết cặn kẽ ở đây để mọi người hiểu về nợ xấu mà sẽ chỉ nói đơn giản nhất có thể, còn lại sẽ là dẫn chứng, như vậy có lẽ tất cả đều dễ dàng hình dung được về nó. Đấy là những người mà ngành Giáo dục đã mất khả năng kiểm soát, không thể tiếp tục hoàn thiện, sửa chữa,… dẫn đến việc vốn mất trắng, không có lãi, hàng hóa tồn kho không dùng được, tốn kém chi phí duy trì của nhà đầu tư. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, nhưng tôi thấy phần trung tâm ma này có vẻ càng ngày càng đông so với các trung tâm kia, nó giống như hình ảnh cột trụ Giáo dục phải gồng mình kéo theo đám dây leo vậy, chỉ biết bòn rút nguồn lực có hạn. Toàn ngành khập khiễng nhưng chỗ này đỡ chỗ kia, không sụp đổ; Giáo dục bị chảy máu nhưng vẫn còn đủ để thoi thóp; thế nhưng một khi đã bị nợ xấu đeo bám, hệ quả sẽ còn lan sang cả các nền móng khác, không chừa ngành nào. THẬT KHINH KHỦNG!!!?

Về mặt Y tế. Những y tá, bác sĩ kiếm tiền bằng cách phù phép giấy xét nghiệm, thoải mái ngồi chơi hay đánh cầu mà bỏ quên bệnh nhân đang nguy kịch dẫn tới người mất mạng, kẻ tai biến. Hay lợi dụng sự mù mờ về quy trình kĩ thuật, họ qua mặt các bệnh nhân để ăn gian vắc – xin trong suốt khoảng thời gian dài. Vậy chứng nhận chuyên môn, cam kết nghề nghiệp,…các loại giấy tờ đảm bảo cho công việc mà họ có từ đâu ra?

Về phía xã hội, mỗi năm, con số sinh viên thất nghiệp cứ tăng đều. Khác với các y bác sĩ kia, họ có đầy đủ hồ sơ xác nhận cho năng lực mình, vậy mà vẫn phải quay về cho bố mẹ chăm sóc, hoặc phải làm những nghề tay trái không chuyên. Thêm vào đó, tỉ lệ thất nghiệp cao ở độ tuổi lao động không những lãng phí mà còn khiến các tệ nạn xã hội có phần nhức nhối thêm. Lại chất thêm gánh nặng cho Luật pháp – vốn đang “tất bật” sửa mình.  THẬT ĐÁNG LO!!!?

“Kẻ ngu dốt có học ngu dốt hơn người vô học nhiều.”

– Benjamin Franklin

Như vậy phải chăng, cứ mỗi năm qua đi, các trung tâm ma lại tiếp tục cho ra lò những sản phẩm thoái hóa không đạt chất lượng?

Nếu bộ phận Giáo dục này không thể kéo dài cuộc sống của con người, để chúng ta trước hai lăm tuổi có thể sống một cuộc sống đích thực, vậy nó có làm chúng ta cống hiến cho đất nước được hay không? Nếu bộ phận Giáo dục này mà không giúp các cá nhân hoàn thiện tư tưởng, tâm hồn, kĩ năng,… để sống có ích, để góp công sức cho cộng đồng phát triển thì nó có xứng là nấc thang cuối cùng của nền Giáo dục? Hay chỉ là một đám dây leo ăn bám? Một hệ thống thúc đẩy sự phát triển của thế hệ các “zombie”? Thế hệ mà Benjamin Franklin nhắc tới: “Đa số mọi người đã chết ở tuổi 25 nhưng tới tận 75 tuổi họ mới được chôn”. THẬT XẤU HỔ!!!?

Đấy là khối nợ xấu khổng lồ mà cho đến nay, ngành Giáo dục vẫn chưa giải quyết được. Những con người sống cũng chẳng khác gì đã chết. Làm việc gì cũng chỉ qua quýt cho xong, không nhiệt tình, không tận tâm, như con rối gỗ. Không làm gì thì vật vờ, sa ngã, trở thành gánh nặng. Rồi cả các công nhân kia nữa, làm giáo dục không có đam mê, đam mê thui chột, thực ra cũng xuất thân từ những lò đào tạo ma kể trên. Để rồi chính họ lại nhào nặn ra các sản phẩm tồi tệ. Một sai lầm dây chuyền, sai lầm có hệ thống. THẬT GHÊ GỚM!!!?

“Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể nuôi dạy trẻ chỉ với chút ít nhiệt tình.”

– Carl Jung

Muốn xây dựng nền Giáo dục chắc chắn, phải dựa vào lực lượng công nhân. Muốn có những công nhân tốt, phải mang lại cho họ năng lượng. Và tôi thấy, chỉ có đam mê mới là giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này.

Lời cuối

Trong bài viết này, hướng đi rất phiến diện, thường chỉ là các mảng màu u ám của bộ phận công nhân viên trong bộ máy Giáo dục. Đó không phải là tất cả những gì mà tôi muốn nói, bởi họ, tuy tôi chưa gọi tên thật mà chỉ đặt danh xưng là “công nhân giáo dục” nhưng có lẽ các bạn đã lờ mờ đoán biết được, vẫn phải chịu nhiều bất công. Nên ở phần hai của bài viết, tôi sẽ gọi tên thật cho họ, cũng như cố hết sức chỉ ra những khó khăn mà họ vướng phải. Có kẻ ăn hại tất có người có công. Ấy chính là mặt còn lại của lực lượng công nhân, những con người xứng đáng với cái tên mà họ lựa chọn.

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI