27.1 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Huyền Chip và suy nghĩ về Tự Do

Phải, Huyền Chip có lẽ là một trong những sự kiện nổi trội nhất trong mấy tuần gần đây mà chắc hẳn ai hay cập nhật thông tin cũng sẽ biết. Tôi đã đọc cuốn sách của Chip, tôi đã đọc cả những bài viết phân tích điểm không thật trong cuốn sách, và cả những bài báo ca ngợi, hay chỉ trích cô gái này, tôi cũng đều ngó qua. Dù hiện tượng này vẫn chưa qua đi, tôi đã rút ra cho mình cơ số bài học mà đối với tôi là hữu ích.

Nói thật, tôi cũng từng là kẻ đi kiếm tìm sự thật đằng sau mọi thứ, với nhiều điều trong cuộc sống, khi chúng không đưa cho tôi một lý giải hay minh chứng thật thuyết phục, tôi sẽ không tin đó là sự thật.

Cuốn sách Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip, có kể chi tiết chuẩn xác 100% hay không, chẳng ai có thể biết được ngoài Huyền Chip. Về căn bản, chỉ tiêu kiếm tìm sự thật của mỗi người rất khác nhau : có người đòi hỏi từng từ từng lời lẽ mà cô ấy đưa ra phải chuẩn xác, có người chỉ cần cô ấy chỉ ra dấu visa của 25 đất nước đã là quá đủ, cũng có người phải chắc chắn rằng tất cả đều là do cô ấy tự lực cánh sinh. Đó, đó là định nghĩa về “sự thật” của mỗi người, hay mỗi tập đoàn người đang theo dõi câu chuyện này.

Còn với tôi, cá nhân tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại phải bắt ép cô ấy chứng minh được cho chúng ta tin rằng tất cả trải nghiệm là của cổ? Phải chăng là cuộc sống của chúng ta vốn đã sẵn quá nhiều những nghi ngờ và giả dối đến độ chúng ta đang từ chối tin vào bất cứ điều gì mà ta không tận mắt chứng kiến? Tôi tin rằng nếu HC có giở lật từng trang hộ chiếu visa cho mọi người xem, hay có ai đứng lên làm chứng cho chuyến đi ấy, thì đâu đó vẫn sẽ có những người nghi ngờ, cho rằng đó là đều do sự sắp đặt, là ăn tiền, là PR-Quảng cáo. Làm sao mà một ai đó có thể thuyết phục bạn tin vào điều họ nói khi bạn cứ khăng khăng thuyết phục mình đó là viễn tưởng? Trong khi giữa hàng trăm nghìn người cùng phản đối Huyền Chip, liệu có được quá 10% là đã thực sự bước ra ngoài đời sống và thực hiện những chuyến du lịch bụi, hay chỉ là những kẻ nhìn đời qua màn hình máy tính – và chỉ lựa chọn quan điểm dựa trên lập luận và số liệu của người khác?

Tôi cho rằng thật đáng khen những người tiên phong trong việc phản bác lại cuốn sách và đưa ra lý lẽ của mình, nhưng tôi không thể đồng tình với những người chưa từng đọc hay mới đọc qua loa XBLVĐ mà lại có định kiến với nó chỉ vì một hai dẫn chứng của người khác, những điều mà bản thân họ còn không dám chắc là “sự thật”. Họ coi việc đi tìm sự thật như chọn một phe trong cuộc chơi và dùng cách ném đá và mỉa mai để giữ thế áp đảo. Mà khi một quan điểm được xây dựng trên phân định thắng-thua chứ không phải sự suy xét của lí trí, thì ý nghĩa của việc tìm ra “sự thật” sẽ không còn.

Không những thế, nếu có biết được những điều ấy có thực hay không, thì ta sẽ làm gì với chúng? Nếu tất cả đều là sự thật, thì liệu ngày mai bạn có dám cầm 10 triệu đồng để đi du lịch phượt một chuyến? Còn nếu nó không phải sự thật, có lẽ nào bạn lại tin rằng thế giới này đầy rẫy nguy hiểm đến nỗi một kẻ đi qua 25 nước đã phải lãng mạn hóa nó lên để bán chạy sách? Giả sử cuốn sách này đấy những lời dối trá, tôi cũng không tin rằng nó lại cản được ý muốn đi phượt của những bạn trẻ thực sự muốn đi để mở rộng tầm mắt, cũng như với những người cho rằng sống lang chạ nay đây mai đó là một cuộc sống không hợp với mình cũng sẽ khó lòng “xách ba lô lên và đi” dù cho những điều trong cuốn sách thực tế đến 100% đi nữa.

Và đôi lúc, con người ta muốn từ chối những điều vượt hơn hẳn tầm hiểu biết của họ, con người luôn có xu hướng né tránh những điều mình không rõ, sợ hãi rằng những điều mình đang tin tưởng và làm theo là sai lầm. Nếu có ai còn nhớ, thì bản thân Galileo đã chết khi cố chứng minh rằng trái đất hình cầu. Giáo hội Thiên Chúa Giáo đã từ chối học thuyết của ông vì nó đối chọi lại với những gì Kinh thánh viết, vấn đề nằm ở không phải điều nào mới thực sự là đúng đắn, mà nằm ở việc lo sợ Giáo hội sẽ mất vị thế trong đức tin của các tín hữu thời bấy giờ.

Nhưng ý tôi là thế này, điều quan trọng không phải điều bạn tin có phải “sự thật” hay không, vì nó vốn dĩ cứ tồn tại – niềm tin của bạn chẳng ảnh hưởng đến nó được, mà là bạn sẽ làm gì với niềm tin ấy. Những người Thiên Chúa Giáo tin rằng có một Thượng Đế ở trên kia, theo dõi họ, vậy nên nhiều người dành cuộc sống của mình để làm những điều ý nghĩa, giúp đỡ mọi người, yêu thương vạn vật, và họ tự hào rằng mình sống một cuộc sống đúng đắn. Vậy không có nghĩa là những người Vô thần, chẳng tin vào Thượng Đế hay Đức Phật nào cả lại đang sống một cuộc đời sai lệch, nhất là khi họ đóng góp cho thế giới những sáng tạo về mặt vật chất, cải thiện đời sống của nhân loại, giúp đỡ hàng triệu người, cứu hàng nghìn sinh mạng. Dù có một Thượng Đế trên đời hay không, bạn vẫn được quyền chọn lựa cách sống của chính mình, và cách bạn sống mới định nghĩa được chính bạn, chứ không phải là niềm tin.

Và cuốn sách của Huyền Chip cũng vậy, tôi không quan tâm nhiều đến việc nó có phải sự thật hay chỉ là bịa đặt, nhưng hãy nhìn vào ảnh hưởng của nó tới cộng đồng, châm lên ngọn lửa tìm hiểu thế giới này với hàng trăm bạn trẻ, truyền cảm hứng cho hàng nghìn người khác, mở ra một quan niệm khác: đâu phải cứ tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình một vợ, một chồng hai con mới là hạnh phúc, mới là thành công? Những bạn trẻ đã, đang và sẽ công kích cuốn sách này, phải chăng phần lớn các bạn cảm thấy lo sợ khi cuộc đời các bạn tự trải ra trước mắt không thú vị như cuộc đời của cô gái ấy?

Tôi không nói các bạn “GATO” hay gì, cũng không có ý bảo cuộc đời ai nhàm chán, cuộc đời ai ý nghĩa. Nhưng khi ngày càng nhiều người viện vào lí do “vẽ ra cho giới trẻ ảo tường về thế giới màu hồng” để rồi cứ xách ba lô lên và trở thành “ăn mày xã hội”, tôi tự hỏi rằng, phải chăng chính niềm tin vào cuộc sống của chính họ đang dần sụp đổ? Phải chăng họ đang hoang mang khi thấy người khác có thể hạnh phúc và vui vẻ với lối sống trái ngược với họ, phải chăng họ thấy khó chịu khi thấy một cô gái có thể vừa vui vẻ tự lực cánh sinh vừa ngao du trong cuộc đời, trong khi họ có một mái nhà mà vẫn còn chật vật với những dự định còn bỏ ngỏ?

Bạn nói rằng cuốn sách gây ảnh hưởng xấu khi những bạn trẻ VN có ý định xách ba lô lên và đi trong khi bản thân chẳng có quái hiểu biết nào về cuộc sống, không ngờ được những hiểm họa đang rình rập bên ngoài.

Thứ nhất, tôi cho rằng chẳng ai học được cách đi mà chưa vấp ngã cả. Quá trình học tập cơ bản nhất của con người là quan sát, bắt chước, mắc sai lầm, để rồi rút kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta mới tổng hợp lại tạo thành tri thức cho mình. Cuộc sống này đầy rẫy những nguy hiểm, nhưng đâu vì thế mà bạn dừng ra ngoài đường mỗi ngày vì sợ tai nạn giao thông, sợ cướp xe giật ví, sợ giang hồ trả thù cơ chứ? Có trải nghiệm con người ta mới hiểu về cuộc đời, sao bạn có thể tự cảm nhận thế giới ngoài kia nếu bạn không bước ra và quan sát nó? Kiến thức trong sách dù là chân lý hay đạo thì cũng là ý thức hệ do người khác tổng hợp mà nên, nó không hoàn toàn là của bạn, sao bạn dám nghi ngờ chuyện người khác đi 25 nước, trong khi tin sái cổ rằng mặt trời mọc lên từ hướng Đông? Mà sự thật rằng mặt trời vốn dĩ đâu có mọc, chúng ta thấy nó là do trái đất xoay quanh mặt trời đấy chứ.

Thứ hai, nếu như bạn lo sợ một ngày em bạn, con bạn, cháu bạn sẽ thực hiện một chuyến đi nguy hiểm, mà không có chút khái niệm nào về địa lý, về lừa lọc, và thủ tục hành chính. Sao bạn không cho nó một khóa học căn bản về những điều nên hiểu trước khi đi du lịch, thay vì ngồi một chỗ và cười vào mặt nó, để rồi nó ra đường vấp ngã về nhà mếu máo với bạn, lúc đó bạn sẽ làm gì, ôm nó vào lòng và nói “Tao đã bảo rồi mà mày không nghe” sao? Nếu bạn có ý định làm thế, thì tôi xin kể cho bạn câu chuyện ở làng tôi. Có một cậu nhóc nhà nghèo, học lớp 9, đam mê hóa học. Đam mê đến nỗi cậu nhóc mua nguyên liệu về nhà mày mò ngồi chế thuốc nổ. Khi nhà trường phát hiện ra cậu chế tạo được thuốc nổ và nghịch chúng, thì thay vì lên công tác tư tưởng hay giúp cho cậu bé hiểu được cách an toàn để theo đuổi đam mê ấy, đã đuổi học cậu nhóc. Sau đấy thì cậu nhóc ấy trong một lần thử nghiệm đã gặp tai nạn bị cụt mất hai bàn tay, lồng ngực bị tổn thương nặng nề, có nguy cơ mù mắt. Câu chuyện tôi kể trên không có một lời dối trá nào, các bạn thấy đấy, điều nguy hiểm nhất là khi chúng ta có che đậy thế giới này trước con cái chúng ta. Tại sao không ai dạy cho chúng cách tiếp cận thông minh và an toàn nhất? Hay chúng ta đang lo sợ rằng nếu chúng ta dạy chúng một cách bài bản thì chúng sẽ thực hành một cách nhuần nhuyễn đến nỗi cuộc đời chúng sẽ không được như ta hy vọng?

Tôi cho rằng có lẽ chính tư duy lo sợ này của người Việt Nam ta đã dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, chúng ta có đầy những khiếm khuyết trong tự do giáo dục: học sinh ngồi trên ghế nhà trường được dạy A với B cũng chỉ biết A với B, chúng ta tin rằng mình là học sinh yếu kém chỉ vì chúng ta chẳng quan tâm nhiều tới việc mài quần trên ghế nhà trường, hay hiện trạng là hàng nghìn ca nạo phá thai mà những bà mẹ còn đang mặc áo đồng phục phát sinh ro sự kém chất lượng trong việc giáo dục giới tính.

Con người ta không thể nào có nhiều lựa chọn khi họ còn bị kìm kẹp trong bốn góc tường nhà, muốn có được tự do chọn lựa, tự do tư duy, tự do sống thì chúng ta phải bước ra ngoài thế giới và nhìn cuộc đời bằng con mắt của chính mình chứ không phải qua con mắt của người khác.

Để kết luận lại, tôi xin trích dẫn một câu nói mà tôi cực kỳ yêu thích như thế này :

“Mọi thứ khác chỉ là những tin đồn không thể xác thực, vô dụng, có thể chỉ là bịa đặt. Vậy nên, hãy giải phóng bản thân mình khỏi những ảo tưởng của văn hóa. Hãy chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và hành động của bạn.”

– Terence Mckenna

[youtube=://www.youtube.com/watch?v=pUREriIs31A&w=560&h=315]

Đơn Du

*Ảnh: Huyền Chip
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

33 BÌNH LUẬN

  1. Mình ko đồng ý với quan điểm Huyền Chip đang cổ vũ tự do.

    Huyền Chip với mình chỉ đơn giản là một cô gái trẻ với lối sống chủ nghĩa cá nhân !

    Đương nhiên với một thế hệ bị nhốt trong nhà thì sẽ xem đó là tự do.

    Còn theo mình,tự do là ở trong đầu.

    Ko phải cứ đi hàng chục nước là sẽ có được tự do.

    Chúng ta nên nhìn Huyền Chip như trường hợp một bạn trẻ thích du lịch và biết sống với sở thích của mình,chỉ vậy thôi,đừng bơm lên mây nữa !

  2. “Nếu có ai còn nhớ, thì bản thân Galileo đã chết khi cố chứng minh rằng trái đất hình cầu. ”
    Xin lỗi tác giả, nếu mình nhớ không nhầm thì Galileo muốn chứng minh thuyết nhật tâm ạ.
    Không phải bới lông tìm vết, muốn thông tin đúng hơn thôi.

  3. HUYEN CHIP mot co gai VIETNAM khong sac dep , khong hap dan voi be ngoai, co phan que mua tuy nhien rat can dam, choi bao lay tieng giam di lung tung khap noi va cho du co chuyen gi xay den thi san sang chap nhan dau thuong vi thuc te cha co gi de mat mat, VIETNAM thuong noi cui khong so lo, chet la cung! tren thuc te khong chi co HUYEN CHIP di nhu the ma da tung co thieu gi gai AU MY don than doc ma di khap noi tren the gioi tuy nhien thuc te co nguoi ra di nhung khong co ngay ve ngoai ra co nguoi ngam dang nuot cay de hoan thanh chuyen di trong nuoc mat, va thuc te nhung chuyen xay ra nhu o AN DO khong he hiem, vi bao moi nguy luon rinh rap cac chi em phu nu le loi tu xu ngao du, va ngay ve cua HUYEN CHIP khong chi co can dan khong thoi ma HUYEN CHIP con giam chup hinh o tran voi vong mot nay no kha dep va ve theo nghe thuat, da co nhung thay doi bat ngo ma truoc kia chua tung co, va dung nhien la co nguyen nhan..

  4. Luôn phải đấu tranh giữa thực tế và đam mê. Phải làm gì khi đam mê chưa nuôi đc cuộc sống, nhưng nếu lao vào kiếm tiền như bao người thì tự hỏi mình đc sinh ra trên đời để làm gì? Thở ko phải là sống mà chỉ là tồn tại, muốn đc sống với đam mê nhưng ko thể xa rời thực tế, nếu sinh ra mà đã có nhiều tiền thì mọi chuyện đơn giản biết mấy. Chợt nhớ đến Money Talks của Karik :"Mày chỉ là 1 tờ giấy thôi, nhưng vì mày cuộc đời tao nổi trôi, tao mệt mỏi vì kiếm mày lắm rồi. Tao ghét phải lệ thuộc mày, nhưng ko mày đời tao lại trắng tay, bao giờ lời mày hết quyền lực đây. Eh money talks, money talks you fool".

  5. Có lẽ tác giả nên tìm hiểu kỹ về Chân lý và Sự thật trong cuốn sách của Huyền Chip trước khi đưa ra những phán xét về "nhóm phán xét" nhỉ? Ví dụ ảnh trong sách được Huyền Chíp lấy từ đâu: Google chăng?

  6. 'Và đôi lúc, con người ta muốn từ chối những điều vượt hơn hẳn tầm hiểu biết của họ, con người luôn có xu hướng né tránh những điều mình không rõ, sợ hãi rằng những điều mình đang tin tưởng và làm theo là sai lầm. Nếu có ai còn nhớ, thì bản thân Galileo đã chết khi cố chứng minh rằng trái đất hình cầu. Giáo hội Thiên Chúa Giáo đã từ chối học thuyết của ông vì nó đối chọi lại với những gì Kinh thánh viết, vấn đề nằm ở không phải điều nào mới thực sự là đúng đắn, mà nằm ở việc lo sợ Giáo hội sẽ mất vị thế trong đức tin của các tín hữu thời bấy giờ.'

    Dám đem Galileo ra so sánh chứng tỏ người viết bài cóc có trình độ học vấn gì cả. Lấy vĩ nhân nào ra nói thì tui không có ý kiến, đằng này dám xách Galileo ra, đây là nhà khoa học mà tui thần tượng nhất hồi nhỏ. Ông dám đấu tranh chống lại cả giáo hội dù cho có bị đe dọa tử hình để chứng minh một CHÂN LÍ, một SỰ THẬT rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ. SỰ THẬT và CHÂN LÍ luôn luôn tồn tại dù cho có bị bao che bởi bao nhiêu lời DỐI TRÁ và sự MÙ QUÁNG. Người ta tôn vinh Galileo vì những khám phá vĩ đại của ông và nhất là lòng dũng cảm dám đấu tranh vì CHÂN LÍ, vì SỰ THẬT.

    Chả hiểu tác giả bài viết kia học đến lớp mấy, 'bản thân Galileo đã chết khi cố chứng minh rằng trái đất hình cầu'. Ôi mẹ ơi, Galileo chứng minh trái đất hình cầu hồi nào vậy? Chắc cái này là tư liệu lịch sử quý hiếm mà tác giả vừa tìm ra được, cái này là phát hiện lịch sử đáng quý cho nhân loại lắm nhé, hê hê.

    Lời khuyên cho tác giả bài viết này, muốn đưa ra tư liệu gì để so sánh thì tìm hiểu cho thật kĩ vào, mở to hai con mắt ẾCH ra mà coi.

  7. Những người trẻ của thời đại internet, phần lớn trong số họ đòi hỏi rất nhiều nhưng cho đi quá ít. Đôi khi tôi tự hỏi ngoài kia có bao nhiêu người bình thản trước mọi chuyện, lùi lại vài bước và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan như thế này ?
    Mặc dù bài viết chưa thực sự trọn vẹn nhưng tôi nghĩ mình cũng đã thấy câu trả lời trong mỗi bình luận của các bạn ở đây rồi 🙂

  8. You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something — your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life.
    — STEVE JOBS

  9. @black bear vậy tại sao những người không có trải nghiệm hay nói cho nó đúng theo tác giả thì "chỉ là những kẻ nhìn đời qua màn hình máy tính – và chỉ lựa chọn quan điểm dựa trên lập luận và số liệu của người khác?" lại chỉ được tin những gì HC viết mà không được tin những phản biện ? Lựa chọn ở đâu khi tác giả chửi xéo 1 bên và nâng bi bên còn lại ? Xin lỗi nhưng đây là bài viết một chiều và chủ quan của tác giả, cái chính là nó mang giọng điệu ĐẢ KÍCH những người phản đối cuốn sách này ! Còn sự thật nó rành rành trước mắt bạn ra đó, nếu thích bạn có thể tìm các clip về buổi họp báo nó đầy rẫy trên mạng bạn à ! Tôi thì không phải cái kiểu "chạy theo đám đông" hay "anti đám đông", cứ miễn nó hợp lí thì dù nhiều hay ít người ủng hộ tôi cũng sẽ công nhận. Thân !

    • ngày trước đám đông cũng từng không công nhận trái đất hình tròn =.=! không phải lúc nào đám đông cũng là đúng, tôi cũng không biết những gì phi lý trong cuốn sách đó nhiều ra sao, nhưng suy cho cùng tôi biết rằng tôi đã học được nhiều thứ từ những trang sách đó, chỉ vậy thôi cũng đủ rồi. Viết những dòng này không có nghĩa là đả kích bạn nhưng tôi chỉ hy vọng bạn thử 1 lần làm những thứ HC đã làm đi rồi bạn sẽ thấy, có những thứ trải nghiệm của mình đôi khi nói ra không phải lúc nào người khác cũng tin. Thân!

  10. bạn à!Bài viết ko đánh giá khía cạnh sự thật này là ntn cả, tác giả muốn hướng mọi người theo hướng tích cực trong suy nghĩ chứ ko phải cứ mãi đi theo cái tiêu cực mà biết bao nhiều người đứng lên phản bác như bạn đang chìm sâu vào nó! Think Positive bạn nhé! Sự thật vẫn chưa lên tiếng vì vậy bạn đừng hãy mạnh mồm phán xét về một ai bạn chưa gặp và nói chuyện với họ, một câu chuyện mà bạn chưa từng trải! Ai cũng có quan điểm của mình cả, chỉ là quan điểm ấy có làm xấu đi bộ mặt của sự thật hay ko thôi! Thân!

  11. Tôi không đồng ý với bài này ! Người ta có quyền phản ứng với sự dối trá và lố lăng. Có thể những lập luận của độc giả chưa xác đáng khiến bạn có nhiều cớ bắt bẻ họ, nhưng nhìn lại đi, ĂN BỐC NÓI PHÉT TRONG MỘT CUỐN SÁCH CÓ GHI LÀ HỒI KÍ, DỰA VÀO SỰ NON NỚT VÀ CHƯA CÓ KINH NGHIỆM CỦA NHIỀU BẠN TRẺ ĐỂ LỪA PHỈNH HỌ BÁN SÁCH KIẾM LỜI VÀ DANH, chưa kể lối hành xử vô học trong các buổi họp báo, xin lỗi hôm nay bạn ủng hộ nó thì ngày mai ngày kia sẽ có nhan nhản những Huyền Chip, những cuốn sách dối trá và những thứ đại loại vậy. Tôi mong tới lúc ấy sẽ không thấy trên đây những bài kiểu như "xã hội ngày nay đạo đức suy thoái chạy theo đồng tiền blah blah…". Thân !

  12. "Trong khi giữa hàng trăm nghìn người cùng phản đối Huyền Chip, liệu có được quá 10% là đã thực sự bước ra ngoài đời sống và thực hiện những chuyến du lịch bụi, hay chỉ là những kẻ nhìn đời qua màn hình máy tính – và chỉ lựa chọn quan điểm dựa trên lập luận và số liệu của người khác?"
    Y5T: Éo thích văn kiểu này, ng ta kinh tế éo có thì đi đâu. Còn "ăn không nói có" cũng nguy hiểm.

  13. bài viết lập luận rất chặt chẽ, rất hay 😀 đó chính là vấn đề của giởi trẻ bây giờ. Sống ảo thì rất là năng nổ, còn ra ngoài đời thực thì lo sợ, không phương hướng

Trả lời Pé Gà Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI