29.2 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

200 năm ngày sinh nhà triết học Søren Kierkegaard

Năm 2013 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của nhà triết học, nhà thần học, nhà phê bình xã hội và nhà thơ Đan Mạch Søren Kierkegaard.

Søren Aabye Kierkegaard sinh ngày 5 tháng 5 năm 1813 và được xem là một trong những nhà tưởng quan trọng và sung mãn nhất của Đan Mạch trong “thời hoàng kim” của hoạt động trí tuệ và nghệ thuật.

Søren Kierkegaard được sinh ra trong một gia đình khá giả ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch và ông hiếm khi đi xa khỏi thành phố quê hương của mình, đi du lịch ở nước ngoài chỉ năm lần – bốn lần đến Đức và một lần đến Thụy Điển.

Các tác phẩm của ông đa dạng trên nhiều lĩnh vực bao gồm triết học, tâm lý học, phê bình văn học, tiểu thuyết và thần học.

Ông được xem là nhà triết học hiện sinh đầu tiên và được biết đến như “cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh”.

Ở Việt Nam sẽ khá vất vả khi tìm đọc về Kierkegaard, chẳng hạn như trong cuốn “Lịch sử triết học” (TS. Trần Đăng Sinh chủ biên) do NXB ĐH Sư phạm xuất bản là quyển sách về lịch sử triết học gần đây nhất có 244 trang thì phần về chủ nghĩa hiện sinh khoảng 6 trang và trong đó nhắc đến Kierkegaard được… 4 lần. Có một công thức mà người ta hay dùng khi viết về Kierkegaard là: “Hiện tượng học Đức + Tư tưởng Kierkegaard = Chủ nghĩa hiện sinh”.

Ông nổi tiếng vì phê phán triết học Hegel và chủ nghĩa lãng mạn Đức, những hình thức rỗng tuếch của giáo hội Luther thời bấy giờ cũng như phân tích của ông về văn học đạo đức và tiểu thuyết.

Nhiều học giả tin rằng hai tác phẩm The Concept of Irony with Continual Reference to Socrates, xuất bản năm 1841 hoặc Either – Or, ấn hành năm 1843 là các khảo cứu có giá trị của Kierkegaard. Trong hai tác phẩm này, Kierkegaard phê phán những tư tưởng lớn của triết học phương Tây (Socrates trong quyển đầu, Hegel trong quyển sau). “The Concept of Irony with Continual Reference to Socrates” là văn phong đặc trưng của Kierkegaard, thể hiện sự chín mùi trong khả năng sáng tác khởi đầu từ thời niên thiếu của ông. “Either – Or” hoàn thành trong lúc Kierkegaard lưu trú ở Berlin, được hoàn tất vào mùa thu năm 1842.

Kierkegaard tỏ ra không hề mệt mỏi trong việc thể hiện tính cá nhân cá biệt chống lại đám đông có tính “cừu”. Đan Mạch vào thời Kierkegaard, ngôn ngữ và văn hóa Đức có vai trò trội hơn cả hơn cả tiếng La tinh. Triết học Hegel ngự trị ở Đan Mạch như một công cụ truyền bá của “tôn giáo Hegel” mà người chủ xướng là J.L. Heiberg. Kierkegaard tấn công vào Hegel từ góc độ này, ông dị ứng với những hứa hẹn đầy khoa trương của học thuyết hệ thống này. Kierkegaard phát biểu: “Hegel vẫn là nhà tư tưởng lớn nhất từng có mặt, nếu như ông ấy thể hiện hệ thống của mình như một suy nghĩ hiện sinh”. Thay vì vậy, Hegel lại tỏ ra quá ôm đồm cuồng trên con đường đi đến chân lý, và ông ta đã tạo ra cho mình một hài kịch.

Tư tưởng của Kierkegaard ra đời như một hệ quả của chuỗi ngày trăn trở về nhận thức thuần lý. Kierkegaard bắt đầu bằng sự chối bỏ tất cả những gì liên quan đến tính hệ thống, ông phủ định lại Hegel bằng chính các thể nghiệm của bản thân. Theo Kierkegaard, quan điểm duy lý của Hegel đã “quên hiện hữu” và không thấy rằng chính “chủ thể là chân lý”.

Kierkegaard chống đối việc biến xã hội thành một trại lính khổng lồ, tất cả các tiếng nói cá thể đều đóng khung vào một dàn đồng ca. Ông mời gọi hãy sống thực trong cuộc sống tâm tình của mình, thân phận con người là một hiện sinh đáng kể chứ không phải là hệ thống những ý niệm lạnh lùng – dẫu cho chúng có biện chứng đến thế nào chăng nữa. Kierkegaard cũng nhiều lần chỉ trích Auguste Comte, ông tỏ ra nghi ngờ quan điểm: mọi nền triết học phải nên đặt trọng tâm vào sự cải thiện nhân loại trên phương diện tinh thần và chính trị. Kierkegaard vạch ra sự đểu cáng của những phát biểu nhân danh cái chung kiểu như: nhân loại, nhân dân… Triết học được Kierkegaard nhìn nhận là những hoạt động của các cá nhân; triết học là một công việc có tính cách rất riêng tư của “cái Tôi”. Kierkegaard không có một mảy may tham vọng đưa ra những cải cách thế giới. Con người chung chung chẳng là gì ngoài một khái niệm trống rỗng, khái niệm này bị sử dụng như một chiêu bài trong việc thỏa mãn cho các tham vọng của những con người rất cụ thể.

Nếu Descartes hoài nghi không có thế giới quan rồi lại dùng tư duy để kết luận rằng có thế giới quan với mệnh đề nổi tiếng “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy nên tôi tồn tại) mà Husserl đã nhại thành: “Cogito, ergo cogitatum” (Tôi tư duy, vậy tư duy về điều gì). Đối với Edmund Husserl (1859 – 1938), phần đáng nghi ngờ nhất ở đây là tư duy. Theo Husserl, “cái gì” là cái bất biến làm thành bản chất của hiện tượng. “Về cái gì” là về cái mà tôi thực sự ý thức, theo E. Husserl, đó mới là bản chất. Kierkegaard đi xa hơn, khi cho rằng tư duy trừu tượng là một lãnh vực ở đó không tồn tại tư duy. Kierkegaard viết “Tính chủ thể là chân lý”, chủ thể ở đây không phải là một hữu thể vô hình như quan niệm trước đây hoặc những khái niệm tuyệt đối của Hegel, mà chính là con người.

Bắt đầu từ tác phẩm “Either-Or” đến “Concluding Unscientific Postscript”, Kierkegaard đã đưa ra một học thuyết Hegel đảo ngược. Song khác với K. Marx là sẽ xây dựng hệ thống quan điểm duy vật của mình ngay trên mô hình đảo ngược ấy, Kierkegaard đã vĩnh biệt học thuyết Hegel trong khi hình thành khuynh hướng phi hệ thống của mình.

Trong nhiều tác phẩm thần học của mình, ông tập trung vào đạo đức tôn giáo và các câu hỏi làm thế nào để là một Kitô hữu.

Ảnh hưởng của Kierkegaard khá lớn đối với các triết gia hàng đầu của triết học hiện sinh, đến nỗi người ta cho rằng “Hữu thể và Hư vô” của J. Sartre ngoài việc có lấy trộm một ít từ “Hữu thể và Thời gian” của Heidegger thì triết luận này của Sartre còn được “gợi hứng” khá nhiều từ những quan điểm của S. Kierkegaard. Hoặc quan niệm văn chương của Kafka có chịu ảnh hưởng của Kierkegaard khi cho rằng bản chất của sự sinh tồn chính là nỗi bất an.

Là những người khởi đầu của triết học Hiện sinh, Kierkegaard và Nietzsche ủng hộ triệt để cho sự dấn thân của những cá thể trên con đường tìm kiếm chân lý, mọi nhận thức khách quan đều đáng vứt bỏ nhằm nhấn mạnh đến tính chủ quan phi hệ thống, họ chỉ khác nhau khi Niezsche nhấn mạnh đến ý chí (tính mục đích) còn Kierkegaard nhấn mạnh đến ý niệm (tính nhận thức). Cái quan trọng là chính bản thân mỗi con người đang cảm thấy thế nào trong cuộc sống này. Nếu như phái hiện sinh vô thần tìm thấy ở Nietzsche một niềm cổ vũ cuồng nhiệt sau khẳng định khét tiếng “Thượng đế đã chết” thì các nhà thần học tôn giáo lại hay nêu ra Kierkegaard trong các nghiên cứu của mình mỗi khi nói về thế nào là tình cảm đam mê, khoảng cách giữa hiện sinh tuyệt đối với Niết bàn/Thiên đàng. Dẫu vô thần như Sartre hay Camus, hữu thần như Jaspers hoặc G. Marcel đều phải dính tới Kierkegaard. Chủ trương con người sẽ đạt được tự do đích thực khi từ bỏ vị kỷ trở nên có ích trong những luận bàn về thế giới quan.

Một lần Kierkegaard than thở với một người bạn sự phức tạp về công việc của mình: “Những người hiểu được tôi rất ít thậm chí cả họ cũng không hiểu được khi tôi phàn nàn bị hiểu lầm.”

Nguyễn Vương Tuấn

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Kierkegaard nhấn mạnh đến ý niệm (tính nhận thức). Cái quan trọng là chính bản thân mỗi con người đang cảm thấy thế nào trong cuộc sống này.

    Một bài viết hay, chi tiết, am hiểu! Cảm ơn tác giả nhiều nhiều !!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI